Đến nay, cả nước có gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 5% tổng doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo và tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động, doanh thu sản xuất- kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cho các ngành sản xuất chính của đất nước, như xe máy, oto, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày…
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã phối hợp với nhiều tổ chức nước ngoài như: UNIDO, Jai-ca, IFC…triển khai nhiều chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều công ty, Tập đoàn đa quốc gia tại Việt nam, giúp cho Việt nam ngày càng tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt nam được đánh giá vẫn còn hạn chế, sản xuất còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện đầu vào phải nhập khẩu, khả năng tự cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp. Đơn cử tỷ lệ nội địa hoá đối với ngành điện tử, gia dụng chỉ từ 30-35% nhu cầu linh kiện, điện tử cho các ngành oto, xe máy đạt khoảng 40%; trong ngành dệt may, da giày mới đạt 40-45%. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần được hỗ trợ về tài chính để hiện đại hoá, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất bằng các công nghệ hiện đại, công nghệ cao.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt nam cho rằng: “Qua thực tế triển khai các hoạt động thì chúng tôi cũng nhận thấy các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và các chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ cũng chưa cao, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Điều này có thể do yếu tố các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bị hạn chế về năng lực quản lý sản xuất trình độ công nghệ hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, thị trường chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, trong khi đó việc đầu tư cho đổi mới công nghệ cải tiến sản xuất là yêu cầu đầu tư vốn lớn dài hơi, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, nên nếu không tiếp cận được các nguồn vốn tài chính phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tới việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm”.