Thế giới: Khó nhiều hơn thuận
Theo giới phân tích, giá dầu Brent tương ứng với mức giá trung bình năm 2022 là 100USD/thùng. Tuy nhiên, điều này khó có thể lặp lại trong năm 2023 khi nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ các yếu tố như: đồng USD mạnh hơn, chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1%, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023. Đây là con số khiêm tốn nếu so với mức tăng 2,2% trong năm 2022.
Báo cáo phân tích ngành dầu khí vừa được CTCK VNDirect (VND) công bố, những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực có thể tác động đến giá dầu trong năm 2023. Đầu tiên là yếu tố Trung Quốc, hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới và chiếm khoảng 1% tổng nhu cầu của thế giới. Do vậy, bất kỳ lệnh phong tỏa mới nào của Trung Quốc sẽ đe dọa hy vọng mở cửa dần nền kinh tế và sự phục hồi nhu cầu năng lượng. Kế đến là chính sách thắt chặt tiền tệ có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Bên cạnh đó, USD mạnh lên cũng tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, bao gồm giá dầu.
Trong nước: DN chưa tận dụng cơ hội
Năm 2022 có thể xem là năm thăng hoa của các DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, nhưng điều này lại trái ngược ở các DN hạ nguồn hoạt động trong lĩnh vực phân phối xăng dầu như PLX hay OIL. Nguyên nhân do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu, đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Do đó, các DN phân phối lớn phải tăng nguồn hàng nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của DN.
Mới đây, PLX (Petrolimex) đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với lý do bối cảnh nguồn cung và giá dầu thế giới thời điểm cuối năm biến động bất thường, gây ảnh hưởng đến chi phí tạo nguồn và lợi nhuận. Do đó, Petrolimex nâng doanh thu hợp nhất lên 240.000 tỷ đồng (tăng 29% so với kế hoạch), nhưng giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ còn 300 tỷ đồng, tương đương 1/10 so với kế hoạch cũ là 3.060 tỷ đồng.
Tình hình cũng không mấy khả quan ở các DN thượng nguồn như PVS hay PVD (PV Drilling). Trước đó, trong bối cảnh giá dầu tăng đột biến, CTCK Sài Gòn (SSI) đã dự báo lợi nhuận năm 2022 của PVD sẽ quanh mức hòa vốn và lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm có thể đạt 162 tỷ đồng (gấp 8 lần cùng kỳ). Tuy nhiên, sau dự báo khả quan của SSI, PVD bất ngờ tiếp tục báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Việc PVD báo lỗ 52 tỷ đồng trong quý III khiến SSI phải điều chỉnh dự báo về hoạt động sản xuất của DN này. Theo đó, doanh thu năm 2022 có thể đạt 5.400 tỷ đồng (tăng 34,8%), nhưng lợi nhuận trước thuế âm 223 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc PV Drilling sẽ lỗ trước thuế 55 tỷ đồng trong quý IV- 2022.
Đối với các hoạt động trung nguồn là các DN phân phối khí hóa lỏng (LNG) gặp nhiều bất lợi. Nguyên nhân do giá LNG tăng vọt trên toàn cầu do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài. Điều này dẫn tới việc chuyển dịch sang điện khí LNG bị trì hoãn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá thành cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của LNG cũng như tiến độ của các nhà máy điện liên quan.
Rủi ro tỷ giá và lãi suất
Ngoài yếu tố giá dầu, lãi suất cao hơn sẽ có tác động đáng kể đến ngành dầu khí trong thời gian tới. Thông thường, tác động của môi trường lãi suất tăng lên các DN dầu khí niêm yết phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi DN. Chẳng hạn, đối với các DN có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thấp, thì môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích cho các DN này trong ngắn hạn, thậm chí còn hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các DN. Lấy dẫn chứng từ GAS (PV GAS), với số dư tiền mặt khoảng 27.017 tỷ đồng vào cuối quý III-2022, và với tính toán trong trường hợp lãi suất tăng thêm 1%, DN này sẽ nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, với các DN có tỷ lệ đòn bẩy cao như PVD, PVT và PVC sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng. Đặc biệt, PVD sẽ chịu áp lực lớn từ lãi suất tăng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi chậm. Giải trình về kết quả kinh doanh quý III-2022, đại diện PVD cho biết lợi nhuận sau thuế quý III âm là do việc giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh. Đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng cộng thêm biến động Libor (lãi suất trung bình mà các ngân hàng lớn trên toàn cầu sử dụng khi cho vay lẫn nhau) làm tăng chi phí lãi vay.
Với rủi ro tỷ giá, do hầu hết các sản phẩm của các DN dầu khí đều được tính theo đồng USD, doanh thu của các DN này sẽ tăng cùng chiều với đồng USD. Điều này có thể bù đắp cho các khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay nợ bằng USD cho vốn lưu động. Do đó, có rất ít rủi ro cho việc đồng USD tăng giá đối với các DN như GAS, PVS và BSR. Ngược lại, một số DN hạ nguồn như PLX, OIL sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên do giá xăng dầu đầu vào được neo theo đồng USD, trong khi giá bán sản phẩm tính theo VNĐ. Bên cạnh đó, các DN có tỷ trọng nợ vay USD cao như PVD và PVT sẽ gặp rủi ro lỗ tỷ giá cao hơn các DN khác khi đồng USD tăng giá.
EIA dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1%, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023. Đây là con số khiêm tốn nếu so với mức tăng 2,2% trong năm 2022.