Doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm

(ĐTTCO)-Trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Công Thương Hà Nội dự kiến dự trữ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng loạt các Chương trình khuyến mại, giảm giá đã và đang được các doanh nghiệp bán lẻ đưa ra nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường dịp cuối năm.

Hàng hóa giảm sâu, thỏa sức mua sắm

Những ngày vừa qua, các siêu thị, trung tâm thương mại đều tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, tạo sức lan tỏa trong việc mua sắm hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Quý Tân, Giám đốc Siêu thị MediaMart Mỹ Đình (Hà Nội), bắt đầu từ tháng 11, doanh nghiệp đã tổ chức một loạt các chương trình khuyến mại với mức giảm từ 15-70% trực tiếp vào giá bán với khoảng 50% số lượng sản phẩm đang bày bán tại siêu thị.

Về công tác chuẩn bị nguồn hàng, ngay từ đầu quý 4/2022, MediaMart đã đàm phán với các nhà cung và các đơn vị bán hàng để đặt mua các sản phẩm với số lượng lớn, với giá cả hợp lý, quà tặng phong phú để đáp ứng nh cầu bán hàng trong Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 cũng như những tháng cuối năm.

“Với trên 30.000 sản phẩm bao gồm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,… và các sản phẩm gia dụng, các sản phẩm công nghệ, doanh nghiệp luôn luôn cam kết đảm bảo đủ hàng hóa trong suốt thời gian diễn ra chương trình cũng như trong những tháng cuối năm,” ông Nguyễn Quý Tân chia sẻ.

Ngoài ra, siêu thị này còn giảm thêm từ 3-5% đối với các đơn hàng mua online, đồng thời hỗ trợ khách hàng mua trả góp, trả trước 0 đồng với lãi suất 0%.

Tương tự, chuỗi siêu thị BBR Mart đăng ký 9 điểm khuyến mại tập trung, nằm trong khuôn khổ chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội và sự kiện “Ngày vàng khuyến mại” năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp triển khai chương trình siêu hội mua sắm Mega sale giảm giá từ 30-50% với hơn 300 sản phẩm.

Cụ thể, siêu thị triển khai chương trình giảm giá đến 50% các mặt hàng thiết yếu gạo, dầu ăn, trái cây và giảm giá từ 20-30% với các mặt hàng đồ uống, bánh kẹo, sữa; giảm giá ưu đãi từ 25-35% các mặt hàng hóa mỹ phẩm.

Trong khi đó, tham gia sự kiện Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022, siêu thị MM Mega Market triển khai rất nhiều chương trình khuyến mại với mức giảm giá từ 10-50%, trong đó nhiều mặt hàng như: thịt gà giảm giá đến 31%, mặt hàng trái cây của các nhà cung cấp OCOP giảm giá tới 49%...

Đáng chú ý, từ ngày 18-20/11, tại phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm diễn ra sự kiện "Ngày hội khuyến mại du lịch-HaNoi Tourism Promotion Festival." Tại đây, 50 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu các tour du lịch trong nước và quốc tế với mức giảm giá từ 20-50%.

Tăng nguồn hàng dự trữ Tết

Kinh nghiệm qua các năm cho thấy, bên cạnh các Chương trình kích cầu tiêu dùng, việc chuẩn bị từ sớm các mặt hàng thiết yếu, với lượng hàng dồi dào đã tạo hiệu ích tích cực, giúp thị trường luôn được bình ổn.

Đối với thành phố Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của hơn 10 triệu người sinh sống, làm việc tại Thủ đô, trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Công Thương Hà Nội dự kiến dự trữ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022).

Trong đó, xác định nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung cầu trong dịp Tết gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết (gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi.

Cụ thể, thành phố Hà Nội dự trữ 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn lợn hơi, 6.400 tấn thịt gia cầm, 5.350 tấn thịt bò, 129 triệu trứng gia cầm, 107.000 tấn rau củ, 5.300 tấn thủy sản, 5.300 tấn thực phẩm chế biến, 52.000 tấn trái cây các loại…

- Lượng hàng thiết yếu Hà Nội chuẩn bị dịp Tết:

Doanh nghiep day manh kich cau, binh on thi truong dip cuoi nam hinh anh 2

Đáng chú ý, ngành Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố theo kế hoạch. Tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm.

Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các tỉnh, thành đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Để đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống bán lẻ vào cuộc, trong đó thành phố huy động hệ thống cung ứng hàng hóa bao gồm kênh bán hàng truyền thồng (28 trung tâm thương mại, 132 hệ thống siêu thị, 453 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi) và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn.

Giám đốc Khu vực miền Bắc Saigon Co.op Lê Văn Liêm thông tin, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã lên kế hoạch chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn quốc trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn hệ thống Hapro Mart đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết tương đương năm trước, trong đó, chú trọng đến những sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền.

Riêng mặt hàng xăng dầu, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cho biết Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục nắm bắt sát tình hình nguồn cung xăng dầu để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân thành phố có phương án giải quyết khi có biến động về nguồn xăng dầu trên địa bàn.

Cùng đó, Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có kế hoạch về nguồn cung xăng dầu, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn thành phố.

“Sở sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm quy định trong kinh doanh mặt hàng này,” lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.

Các tin khác