Mặc dù có một số tín hiệu khả quan hơn từ thị trường xuất khẩu, nhưng giới phân tích cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đã bị ảnh hưởng trong quý 1 vừa qua, khi các khách hàng cắt giảm đơn hàng do lo ngại về tiêu thụ cũng như chưa đẩy bớt hàng tồn kho.
Theo giới phân tích, chỉ khi những vấn đề trên được tháo gỡ, doanh nghiệp dệt may mới có khả năng dần phục hồi phục từ quý 2 này.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), ông Nguyễn Phước Hưng, doanh nghiệp dệt may đang gặp phải những khó khăn như thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.
Từ giữa năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp dệt may.
Cùng đó, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.
Ông Hưng cho biết thông qua các cuộc khảo sát của HUBA, có tới 41,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%. Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ là 41,2%.
Theo ông Hưng, các doanh nghiệp cho rằng dù nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.
Theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Nguyễn Đức Hảo, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất sản phẩm dệt may của Việt Nam. Việc lạm phát tại Mỹ giảm xuống mức 3% sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ tích cực hơn và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ có thể bắt đầu nhập hàng tồn kho trở lại.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/3 vừa qua cho biết chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng 0,2% (sau điều chỉnh) trong tháng Hai so với tháng trước. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% sau điều chỉnh của tháng Một.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng mức tăng chi tiêu trong hai tháng liên tiếp phần nào phản ánh đà đi lên của những tháng đầu năm 2023.
Trong khảo sát "BoF-McKinsey State of Fashion 2023" do McKinsey (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh) thực hiện, có tới 61% nhà lãnh đạo trong ngành thời trang Mỹ kỳ vọng triển vọng của ngành sẽ giữ nguyên hoặc tốt hơn trong năm 2023 so với năm 2022, do Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột ở Ukraine.
Các giám đốc ở các công ty châu Âu và châu Á tỏ ra bi quan hơn, với lần lượt 64% và 53% ý kiến cho rằng bối cảnh ngành sẽ kém khả quan hơn.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm quần áo. (Nguồn: McKinsey)
McKinsey dự báo doanh số bán lẻ mảng thời trang bình dân có thể tăng từ 1-6% trong năm 2023 so với cùng kỳ tại Mỹ, từ 2-7% so với cùng kỳ tại Trung Quốc và giảm từ 1-4% so với cùng kỳ tại châu Âu.
Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Nguyễn Đức Hảo cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể là "con dao hai lưỡi." Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại Trung Quốc đã tăng lên 52,6 trong tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái và là mức cao nhất trong 8 tháng sau khi thay đổi chính sách COVID-19.
VNDIRECT kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến việc xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. VNDIRECT cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao sẽ tận dụng được lợi thế. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc được lưu thông trở lại có thể giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp may mặc.
Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp may mặc trong năm 2023. Hiện Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội Dệt May Mỹ (OTEXA), giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ năm 2022 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Với 25,65% thị phần, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ, theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.
VNDIRECT nhận định rằng các doanh nghiệp may mặc có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng cuối năm nay.
May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ở khâu thượng nguồn, các doanh nghiệp sản xuất sợi bị ảnh hưởng sớm hơn so với các doanh nghiệp hạ nguồn vì các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu. Do đó, các doanh nghiệp sợi sẽ có tín hiệu hồi phục khá sớm so với các doanh nghiệp gia công may mặc.
Cụ thể đối với doanh nghiệp sợi, theo ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK), sản lượng bán ra trong tháng 2/2023 cải thiện so với quý 4/2022. Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã chứng khoán: HTG) kỳ vọng lợi nhuận ròng quý 1/2023 đạt 65 tỷ đồng, tăng 20,3% so với quý trước.
Công ty Cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực trong quý 1/2023 sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo ban lãnh đạo Damsan, sản lượng trong 2 tháng năm 2023 đã tăng 200% so với quý 4/2022 và 140% so với quý trước đó.
VNDIRECT kỳ vọng áp lực lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt kể từ quý 3 tới, điều này có thể thôi thúc các nhà sản xuất hàng dệt may, giày dép tăng khối lượng đặt hàng cho vụ Xuân 2024. Do đó, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ nửa cuối năm 2023 có thể tăng 40% so với cùng kỳ, kéo mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm nay trở lại mức 2 chữ số.
Mặc dù có một số tín hiệu khả qua hơn từ thị trường xuất khẩu, nhưng Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư chờ đợi thêm những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong quý 2 này khi các khách hàng cắt giảm đơn hàng do lo ngại về tiêu thụ cũng như chưa đẩy bớt hàng tồn kho.
Do đó, VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên chờ đợi trong quý 2 này (sau khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may được phản ánh hết vào giá cổ phiếu) hoặc chờ thêm khi giá cổ phiếu điều chỉnh sâu hơn để mua vào với tỷ suất sinh lời cao hơn.