Không có đơn hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ việc để đi tìm việc tốt hơn khiến ngành dệt may gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, sản xuất một số sản phẩm tháng 8 tăng so với tháng 8-2011 như: vải dệt từ sợi bông ước đạt 20,5 triệu m2, tăng 15,0%; quần áo người lớn ước đạt 163,7 triệu cái, tăng 7,4%.
Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ, vải dệt từ sợi bông ước đạt 168,3 triệu m2, tăng 7,2%; quần áo người lớn ước đạt 1.225,1 triệu cái, tăng 5,0%.
Do đơn hàng có giá trị cao thường phải hoàn thành giao hàng vào 6 tháng cuối năm nên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục dẫn đầu, tháng 8 ước đạt 1,45 tỷ USD, tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 9,72 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng để phát triển sản xuất. Không có đơn hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ việc để đi tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn, làm các doanh nghiệp khó khăn thêm về nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng lo lắng khi chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu có thể bị hủy bỏ sẽ làm cho việc duy trì sản xuất càng trở nên khó khăn hơn trong khi một vài tháng tới thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may đang trình Chính phủ cho phép ngành dệt may được miễn giảm hẳn thuế giá trị gia tăng trong vòng từ 3 - 6 tháng, đồng thời, tăng tỷ lệ được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu từ 10% hiện tại lên 15% nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm cả xuất khẩu lẫn nội địa.
Hơn nữa, các doanh nghiệp ngành dệt may đang rất mong đợi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công để hàng dệt may của Việt Nam có cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ (có thể được giảm thuế từ 16-18%, thậm chí có những mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0%).