Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đối diện với hàng loạt khó khăn, nhiều vấn đề của doanh nghiệp không dễ khắc phục ngay. Điều này cho thấy, để thị trường BĐS khỏe mạnh trở lại còn mất nhiều thời gian.
Từ âm nhiều đến âm ít
Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường BĐS quý III và dự báo tình hình thị trường quý IV-2023” của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) cho thấy, thanh khoản trên thị trường trong quý II đã được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm 2022. Những tháng đầu năm 2023 thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng tại Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TPHCM…, những nơi được thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu.
Khảo sát của Vnrea cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch tăng dần, quý II ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 giao dịch ở quý I; trong khi quý III gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I.
Thông tin về tình hình thị trường BĐS trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý. Theo đó, trong 9 tháng năm nay, TPHCM có 15 dự án nhà ở thương mại (NoTM) được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với 15.020 căn được đưa ra thị trường, nhưng sản phẩm chủ yếu ở phân khúc cao cấp (chiếm 70%) và trung cấp, không có nhà ở bình dân.
Nhìn chung, 9 tháng 2023 hoạt động kinh doanh BĐS của TP tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 11,58% và quý I tăng trưởng âm đến 16,2%. Cùng với đó, doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS 9 tháng giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Doanh nghiệp teo tóp
Ông H., chủ tịch một doanh nghiệp đầu tư, môi giới BĐS, chia sẻ doanh nghiệp ra đời cách nay hơn 1 năm, với kỳ vọng sau đại dịch thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt, song mọi việc không như dự báo. “Lúc mới ra đời, doanh nghiệp có gần 1.000 cán bộ, nhân viên, nhưng nay còn vài chục vì không có dự án mới nên không thể nuôi hàng trăm nhân viên bán hàng. Mặc dù cắt giảm nhiều nhưng chi phí mỗi tháng hiện nay cũng xấp xỉ tiền tỷ, nên cũng không biết gồng được bao lâu nữa” - ông H. chia sẻ.
Báo cáo tài chính mới đây của CTCP Dịch vụ BĐS Đất Xanh (DXS), cho thấy tình hình kinh doanh vẫn ảm đạm khi doanh thu, lợi nhuận rất thấp. Quý III, doanh thu công ty môi giới này đạt 509 tỷ đồng, giảm 52% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 25,4 tỷ đồng, sụt 87% so với mức gần 200 tỷ đồng cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân viên hoặc họ tự nghỉ việc vì thu nhập sút giảm. Đến ngày 30-9, công ty còn 2.249 nhân viên, giảm hơn 4.100 người, thu hẹp gần 65% nhân sự.
Mới đây, trong báo cáo UBND TPHCM về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thành viên, trong đó có lĩnh vực BĐS, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết các doanh nghiệp xây dựng, BĐS nợ nần chồng chất, không thu hồi được và khó có khả năng trả nợ trái phiếu.
Sự đóng băng của thị trường BĐS làm các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công khó khả thi, kết quả hàng loạt đơn vị xây dựng, BĐS nhỏ lâm vào tình trạng phá sản. Từ đó, HUBA kiến nghị đưa BĐS vào danh mục giảm thuế suất thuế VAT và kéo dài đến hết năm nay.
Theo HUBA, thị trường BĐS bị thu hẹp đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các chủ đầu tư. HUBA đánh giá việc phục hồi thị trường BĐS là nhu cầu cấp thiết, giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Các khó khăn của BĐS đã tác động nặng nề tới hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, vật liệu xây dựng, môi giới BĐS, làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực đấu giá đất công, cho thuê đất công, thuế chuyển quyền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng BĐS.
Dự báo tình hình thị trường BĐS trong thời gian tới, chuyên gia Trần Du Lịch nhận định năm 2024 kinh tế chưa hy vọng khởi sắc mạnh mẽ, nhưng chắc chắn tốt hơn năm 2023. Thị trường BĐS không thể đổ vỡ, nhưng để thuận lợi như trước năm 2019 thì chưa. Thị trường có thể chuyển từ âm ít sang dương ít vào quý IV, khởi sắc hơn từ quý II-2024.
Thời gian tới, nếu Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi được thông qua, có hướng dẫn tháo gỡ được vướng mắc, khả năng TPHCM sẽ cân bằng được 3 phân khúc cao cấp - trung cấp - bình dân và thị trường sẽ phát triển căn cơ hơn.
17 sàn giao dịch BĐS không còn hoạt động
Sở Xây dựng TPHCM vừa công bố danh sách 78 sàn giao dịch BĐS tại TP, trong đó có 17 sàn chấm dứt hoạt động, chủ yếu có thời gian hoạt động tương đối ngắn, từ 1-2 năm…
Trước đó, Sở Xây dựng TPHCM cũng thông báo kiểm tra 81 sàn giao dịch BĐS được thành lập trong giai đoạn 2009-2017. Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, từ trước đến nay trên địa bàn TPHCM có 472 sàn giao dịch BĐS, nhưng qua khảo sát đợt đầu, Sở thống kê có 81 sàn giao dịch có đăng ký trên hệ thống. Qua khảo sát đợt 2, trên địa bàn chỉ còn 61 sàn giao dịch hoạt động, còn lại không hoạt động hoặc đóng cửa.
“Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát và gửi thông tin các sàn đến Sở Kế hoạch - Đầu tư và các doanh nghiệp có sàn giao dịch BĐS để xác nhận lại sàn của các doanh nghiệp còn hoạt động hay không, nhằm phục vụ cho các quy định sắp tới như Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Nghị định 35 mới sửa đổi, trong đó có hoạt động liên quan đến sàn giao dịch BĐS, nên mong các doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin” - ông Quân cho biết.
Khó khăn của BĐS dẫn đến khó khăn của hàng loạt ngành nghề liên quan. Nguồn thu từ nhà đất, các dịch vụ BĐS giảm nhiều, kéo theo nguồn thu chung của TP bị ảnh hưởng.
Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM