Theo cuộc khảo sát được các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức thực hiện với 4.200 doanh nghiệp nước này tại 92 quốc gia, 60,7% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết tình hình sản xuất kinh doanh ở Việt Nam không thay đổi, 35,7% thấy tốt lên và chỉ 3,6% doanh nghiệp có hoạt động giảm đi.
Đáng nói, có đến 64,3% doanh nghiệp tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 12 tháng tới sẽ đi lên, 28,6% dự báo tình hình không thay đổi, chỉ 7,1% doanh nghiệp bi quan về triển vọng hoạt động ở Việt Nam.
Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và đà tăng trưởng kinh tế của đất nước trong vòng 12 tháng tới. Nhưng giá nhiên - nguyên - vật liệu tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao vẫn là 2 thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh.
Tìm cơ hội trong biến động
Khoảng 53,6% doanh nghiệp Đức được khảo sát tin rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đi lên trong 12 tháng tới.
Việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ đã tạo động lực cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. So với mùa thu năm 2021, doanh nghiệp Đức đã lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam hơn.
Điểm cân bằng đo lường kỳ vọng của doanh nghiệp Đức vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam tăng từ 7 vào mùa thu năm ngoái lên 43 trong năm nay.
Khi được hỏi, có đến 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022-2023, 46% tiếp tục tuyển dụng trong vòng 2 năm tới.
Tại buổi họp báo, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam - cho rằng Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội từ môi trường kinh tế biến động hiện tại.
Theo ông, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Việt Nam, với hơn 500 doanh nghiệp, tạo ra 28.000 việc làm. 2.000 người Đức hiện sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Bản thân ông Walde cũng đã sinh sống tại Việt Nam 11 năm.
Thế giới và Việt Nam đã trải qua những sự kiện lớn trong vòng hơn 2 năm qua, từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Doanh nghiệp Đức đang tìm cách phân bổ và đa dạng hóa mạng lưới cung ứng. Họ không rút đầu tư khỏi Trung Quốc, nhưng sẽ tìm kiếm thêm các địa điểm đầu tư mới", ông Walde bình luận.
"Xu hướng này vốn nhen nhóm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng với đại dịch, việc phân bổ và đa dạng hóa đầu tư đã trở nên quan trọng hơn, nhảy từ vị trí thứ 6 lên nhóm 3", vị trưởng đại diện chia sẻ.
Theo ông, các doanh nghiệp Đức có thể cân nhắc Bangladesh và Ấn Độ, nhưng 95% doanh nghiệp hướng tới Đông Nam Á. Trong đó, 2 điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất là Thái Lan và Việt Nam.
Sức hút của Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng trong dòng chuyển dịch thương mại quốc tế. Việt Nam là một trong số 2 quốc gia thành viên của ASEAN có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Vẫn còn thách thức
Các doanh nghiệp Đức cho rằng những yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và những nhóm ngành khác, vận tải và logistics.
Ông Walde cho rằng một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là đội ngũ lao động năng động, chăm chỉ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, trong vòng 12 tháng tới, những thách thức đe dọa sự tăng trưởng của doanh nghiệp được quan tâm nhất là giá nguyên - nhiên - vật liệu (75%), giá năng lượng, điện và xăng dầu (57,1%) và thiếu hụt lao động có tay nghề (35,7%).
"Tại Việt Nam, các bậc phụ huynh thường mong muốn con cái đi học trường đại học, nhưng những lao động có tay nghề cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta không thể sản xuất ra ôtô, máy móc chỉ bằng các cử nhân, mà còn cần những lao động được đào tạo bài bản", ông Walde lập luận.
Ngoài ra, theo ông, cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng tại Việt Nam đã phát triển tích cực trong những năm qua, nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế. Theo khảo sát, 17,9% doanh nghiệp Đức được hỏi cho rằng cơ sở hạ tầng là một trong các thách thức đối với tăng trưởng doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tới.
So sánh lợi thế giữa Việt Nam và Thái Lan, ông Walde cho rằng lợi thế của Thái Lan nằm ở ngành công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ. "Một số nhà đầu tư nói với chúng tôi rằng, nếu đầu tư vào Việt Nam, họ mong muốn 50% đầu vào đến từ quốc gia được đầu tư", ông chia sẻ.
Ngành công nghiệp cung ứng đầu vào đã tạo lợi thế lớn cho Thái Lan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. "Để đảo ngược tình thế, chúng ta cần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Walde khẳng định.
Cuối cùng, ông cho rằng nếu Việt Nam xây dựng được một hệ thống năng lượng tái tạo phủ khắp, sức hút đối với doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng. Bởi đó là nền tảng thu hút đầu tư trong tương lai và giúp đảm bảo tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế.
Ông lấy minh chứng về bộ luật của Đức nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho bộ máy cung ứng. Còn ở Mỹ, tất cả doanh nghiệp muốn tìm kiếm nguồn vốn tại thị trường Bắc Mỹ đều cần đáp ứng những yêu cầu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).