Ngày 18-9, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các hiệp hội và hơn 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.
Tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, chưa rõ thời gian tiêm mũi 2
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Đồng Nai trong việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và mới nhất là kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo phòng chống Covid-19 (kế hoạch 11102) vừa công bố.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân lao động còn chậm, chỉ một lượng nhỏ công nhân được tiêm mũi 1 nhưng chưa rõ thời gian tiêm mũi 2. Điều này khiến kế hoạch quay lại sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, tiêm vaccine là tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Ông Lê Quốc Thanh - Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam, Tập đoàn Phong Thái - cho biết có 5 công ty tại Đồng Nai với hơn 60.000 lao động. Từ ngày 7-7, các nhà máy đóng cửa do không thể thực hiện "3 tại chỗ" nhưng vẫn trả lương cơ bản cho công nhân lao động với số tiền khoảng 17 triệu USD/ tháng (tương đương 388 tỷ đồng).
Trong đó, kế hoạch 11102 của Đồng Nai yêu cầu công nhân phải tiêm mũi 1 và sau 14 ngày mới được đi làm. Song lượng tiêm vaccine cho các doanh nghiệp của tập đoàn rất hạn chế, chỉ khoảng 23% tổng số lao động.
Do đó, ông Thanh mong muốn chính quyền Đồng Nai nhanh chóng phủ vaccine cho 100% công nhân để doanh nghiệp có đủ điều kiện và sớm trở lại hoạt động.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cho biết hơn 90% lao động của công ty đang ở các vùng đỏ, cam, vàng và chỉ có 10% công nhân ở vùng xanh.
Do đó, theo kế hoạch 11102 của Đồng Nai thì số người thực tế được đi làm rất ít, dẫn đến không đáp ứng được sản xuất và đơn hàng cho khách hàng.
"Chúng tôi đề xuất cho công nhân ở vùng xanh chưa tiêm, kể cả công nhân vùng cam, vàng đi làm để đảm bảo đủ lao động sản xuất. Đến nay, công ty quản lý rất chặt chẽ, chưa xuất hiện trường hợp F0 nào, chúng tôi tự tin kiểm soát được không để F0 phát sinh trong công ty" - vị đại diện này nói.
Ngoài ra, các công ty cũng đề nghị chính quyền Đồng Nai hướng dẫn cụ thể đơn giản hơn về quy định đi lại giữa các vùng xanh, vùng xanh đi ngang vùng đỏ và các tỉnh thành lân cận, vấn đề nhập cảnh chuyên gia nước ngoài vào sản xuất…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng phản hồi các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp - Ảnh: A Lộc.
Cam kết ưu tiên vaccine cho công nhân
Phản hồi vấn đề tiêm vaccine cho công nhân, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết từ đầu Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch chiến lược ưu tiên tiêm cho doanh nghiệp "3 tại chỗ" và tiêm vaccine phủ rộng để dập dịch.
Hiện địa phương đã tiêm hơn 76% mũi 1 cho toàn dân và đang kiến nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine cho Đồng Nai để tiêm phủ hết 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiếp tục quay lại tiêm hết mũi 2.
Tuy nhiên, về thời gian, ông Dũng cho rằng phụ thuộc nhiều vào Bộ Y tế phân bổ vaccine về địa phương. "Phía tỉnh trên tinh thần là tăng cường đội ngũ tiêm, nâng năng lực tiêm lên 140.000-150.000 mũi/ngày, để khi có vaccine đẩy nhanh nhất tốc độ phủ các mũi tiêm.
Chúng tôi cam kết đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là lực lượng công nhân, các chuyên gia, lao động nước ngoài" - ông Dũng nhấn mạnh.
Vấn đề nhập cảnh chuyên gia vào sản xuất gồm phần địa phương và Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an. Đến thời điểm hiện tại, ông Dũng khẳng định phía địa phương hết sức hỗ trợ nhập cảnh chuyên gia vào sản xuất và đã xử lý toàn bộ hồ sơ của các doanh nghiệp.
Về phía Cục Xuất nhập cảnh, Đồng Nai sẽ trao đổi lại và cố gắng hỗ trợ tối đa việc nhập cảnh chuyên gia phục vụ sản xuất địa bàn. "Quá trình thực thi thủ tục doanh nghiệp vướng gì cứ điện thoại trực tiếp cho tôi xử lý" - ông Dũng nói.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khi thực hiện kế hoạch 11102, nếu xuất hiện F0 thì nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên xử lý phòng chống dịch trước. Đồng Nai đưa ra quy định nới lỏng "xã xanh" nhằm tận dụng tất cả lợi thế để phục vụ doanh nghiệp.
Sau 10 ngày thực hiện kế hoạch sẽ đánh giá lại, nếu thuận lợi sẽ quy định theo đơn vị hành chính nhỏ hơn, tạo ra vùng xanh nhiều hơn. Từ đó, công ty có điều kiện tuyển chọn công nhân sản xuất nhiều hơn.
"Với vai trò lãnh đạo tỉnh, tôi rất mong muốn doanh nghiệp hiểu chúng tôi xây dựng kế hoạch này nhằm phục vụ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tự bảo vệ chính mình, không nên vì quá nóng vội để dịch bệnh lây lan rồi quay lại như ban đầu rất nguy hiểm.
Mong sự hợp tác của các doanh nghiệp, khi có cơ hội chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp ngay", ông Dũng chia sẻ.