Linh hoạt để giữ vững sản xuất
Bà Vũ Thị Thuận - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Traphaco, cho biết doanh nghiệp luôn sẵn sàng mọi kịch bản để ứng phó với dịch bệnh. Trong những tháng đầu năm, khi dịch chưa diễn biến phức tạp thì doanh nghiệp tranh thủ từng ngày, từng giờ để tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong những tháng gần đây, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp ngay lập tức chuyển sang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, giảm lượng người đến văn phòng làm việc, giữ vững hệ thống phân phối… Nhờ đó doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra.
Đặc biệt theo bà Thuận, chưa bao giờ thấy công nghệ số được áp dụng nhanh như vậy trong doanh nghiệp của mình. Tất cả các quy trình đều được số hóa, giúp tiết kiệm nhiều chi phí để bù đắp cho những khoản phát sinh.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên, cũng chia sẻ hiện tại đơn hàng đối với doanh nghiệp không thiếu, nhưng quan trọng là phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phòng chống dịch an toàn. Nhờ thực hiện những biện pháp linh hoạt, hiệu quả, trong năm nay dự kiến hệ thống Tổng công ty May Hưng Yên sẽ tăng doanh thu 10% so với năm trước.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn nhanh chóng chuyển mình, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã kịp thích ứng với khó khăn.
Bà Trịnh Kim Thư - Tổng giám đốc CTCP MD Queens - chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hàng nông sản, cho biết thời gian qua công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thị trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó là khó vận chuyển hàng đến các địa phương do phải thực hiện quy định phòng chống dịch Covid-19.
Ngay lập tức, công ty đã chủ động chuyển hướng đẩy mạnh việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử cả trong nước và cả sàn thương mại điện tử quốc tế. Nhờ vậy vẫn đảm bảo được hoạt động và doanh thu trong khó khăn.
Một số doanh nghiệp dệt may nằm trong vùng giãn cách phía Nam cũng đã nhanh chóng liên hệ với đối tác ở các tỉnh còn đang được hoạt động bình thường, để hợp tác sản xuất, kịp đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngay trong “tâm bão” phía Nam, các doanh nghiệp cũng ngay lập tức triển khai những “phiên chợ online” để hỗ trợ nhau mặt hàng xuất, nhập khẩu, giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định thời điểm dịch diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy vẫn nỗ lực đảm bảo hoạt động bình thường, nhanh chóng thích ứng. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tái cấu trúc, bỏ bớt những khâu không hiệu quả.
Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, doanh nghiệp tiếp cận thị trường bằng công nghệ thông tin trở nên phổ biến hơn. Hiện tại không chỉ ở thị trường trong nước mà doanh nghiệp còn ứng dụng công nghệ để duy trì xuất khẩu.
“Dưới tác động tiêu cực của đại dịch nhưng nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng khá là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực sáng tạo và thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.
Lợi nhuận không phải là tất cả
Nhận định về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khó khăn khốc liệt nhưng môi trường kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Minh chứng là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng đầu năm vẫn đạt gần 20 tỷ USD.
Tuy nhiên theo ông, những khó khăn là không thể tránh khỏi khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện Chính phủ đã làm mọi cách có thể để hỗ trợ doanh nghiệp từ các loại thuế, phí, tiền điện… Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư giúp thời gian tiếp cận chính sách của doanh nghiệp được rút ngắn, chi phí được cắt giảm.
Với doanh nghiệp, điều quan trọng lúc này là sự nỗ lực vươn lên. Mục tiêu quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần hướng tới lúc này không phải là đích đến lợi nhuận mà là giữ được thị trường, bạn hàng, giữ chân được người lao động. Lợi nhuận chỉ là ngắn hạn, tuy nhiên nếu để mất đơn hàng, đối tác thì khó lòng khôi phục lại trong dài hạn.
Chính lúc này doanh nghiệp trong các ngành nghề phải có những liên kết, hỗ trợ về nguyên liệu để hoàn thành đơn hàng, tránh phải đền hợp đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng hiện tại, điều mà lãnh đạo các doanh nghiệp trăn trở không phải là lợi nhuận mà câu chuyện dài hạn là người lao động. Nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng rất nhiều lao động, nếu đời sống không được đảm bảo, an toàn, họ sẵn sàng bỏ về. Khi lao động thiếu thì doanh nghiệp không thể sản xuất, đào tạo lao động mới cũng không thể kịp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong mỏi địa phương có thể cùng chung tay để tìm ra phương án sản xuất an toàn giúp người lao động có thể yên tâm. Lãnh đạo May Hưng Yên đề xuất, có thể học tập mô hình “hộp cát nhà máy” của Thái Lan, đó là xét nghiệm toàn bộ doanh nghiệp và loại ra các F0, những người âm tính 1 tuần test 1 lần và để doanh nghiệp sản xuất bình thường.
PGS-TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cũng cho rằng, hiện tại tư duy “win - win” cần được các doanh nghiệp áp dụng để có thể giữ chân được đối tác.
Cả hai bên có thể chia sẻ để cùng nhau vượt qua đại dịch, đơn cử như chủ cho thuê mặt bằng đã có sự hỗ trợ người thuê. Chỉ khi giữ được đối tác, bạn hàng thì doanh nghiệp mới có thể phát triển trong dài hạn.