Cho dù Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020 (PCI 2020) đã ghi nhận nhiều nỗ lực cải cách hành chính của 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước trong việc duy trì sự cải thiện về môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương phát triển, song phần lớn những đại biểu có mặt tại sự kiện công bố PCI2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội, đều bày tỏ kỳ vọng, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; đồng thời, một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… cần phải được chú trọng cải cách nhiều hơn để đạt được những tiến bộ và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, bức tranh cải cách đã có nhiều sắc màu tươi sáng hơn trong năm 2020 nhưng vẫn còn nhiều con số chưa thể "yên lòng." Theo kết quả điều tra PCI2020, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng chính quyền địa phương còn ưu ái cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức.
54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần... "Đó là những điều rất đáng phải suy nghĩ," ông Tuấn bình luận.
Do tác động của đại dịch COVID-19, niềm tin trong kinh doanh của các doanh nghiệp đã giảm mạnh trong năm 2020. Chỉ có 41% doanh nghiệp cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm% so với năm 2019.
Điểm số PCI năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách - khái niệm để chỉ các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn. Điều này cũng cho thấy đà cải cách có phần chững lại đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính quyền phải căng sức đối phó với đại dịch COVID-19 - một thảm họa y tế nghiêm trọng của toàn cầu đã tác động tiêu cực và trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ doanh nghiệp nhỏ tới các tập đoàn lớn, từ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cho đến doanh nghiệp sản xuất, từ miền núi cao đến những thành phố lớn... đều không có ngoại lệ.
Báo cáo PCI năm nay đặc biệt để phân tích tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp Việt Nam và cho thấy bức tranh khó khăn của cộng đồng kinh doanh; trong đó, điểm tích cực là doanh nghiệp đã đánh giá cao phản ứng kịp thời và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương trong bối cảnh mới.
Ban tổ chức trao chứng nhận cho Top 4 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI năm 2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Liệt kê một số khó khăn mà doanh nghiệp vẫn vướng phải trong năm 2020, ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi tiếp cận các loại thông tin sau: bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%). Ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tới 24% doanh nghiệp cho biết khó có thể tìm kiếm được thông tin.
Tính minh bạch là chỉ số ít được cải thiện trong báo cáo PCI 2020 và có tới 57,4% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh phải cần có các mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền mới có thể có được các tài liệu của địa phương về những vấn đề liên quan tới đất đai, đấu thầu hay thậm chí là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... ở các địa phương.
Bình luận về nội dung cần tăng cường tính minh bạch để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, cho dù ở bất kỳ cấp, ngành nào, việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo” phải được quán triệt để thực hiện thống nhất với quan điểm đó là một trong những đột phá về thể chế.
Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và thực thi chính sách, pháp luật ổn định, nhất quán và công bằng, trước nhất là cần sự cải thiện về chất lượng phối hợp giữa các ngành, các cấp; đồng thời, đảm bảo sự công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Chính cộng đồng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm thúc đẩy những đột phá về thể chế này, để từ đó mới nhanh chóng xây dựng và vận hành được chính quyền số, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung trong những năm tiếp theo.
Có thể thấy rằng, chỉ cần nhìn vào những "tiếng lòng" mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh và kỳ vọng trong Báo cáo PCI 2020, cho thấy, còn nhiều dư địa và không gian cải cách tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Cải cách môi trường kinh doanh vẫn là một hành trình dài, cần phải liên tục bước tiếp, phải mạnh mẽ, bền bỉ để dần ghi dấu những kết quả và thành công như mong đợi.