Doanh nghiệp kỳ vọng vào kết quả đàm phán

(ĐTTCO) - Nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ bày tỏ sự hoang mang, choáng váng, bất ngờ khi nghe mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên các sản phẩm của Việt Nam. 

Doanh nghiệp kỳ vọng vào kết quả đàm phán

Cú sốc 3 ngành chủ lực

Chia sẻ với ĐTTC về mức thuế đối ứng 46% Mỹ áp dụng cho Việt Nam, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP thực phẩm Sao Ta (chuyên xuất khẩu sản phẩm tôm) nhấn mạnh quá bất ngờ. Bởi qua các phương tiện truyền thông thời gian qua đã cho thấy, thiện chí của Chính phủ Việt Nam thông qua nhiều hành động nhằm đưa cán cân thương mại Việt - Mỹ tiến tới ngày càng cân bằng hơn.

Điều đó tạo niềm tin cho các DN thuế đối ứng sẽ chỉ xoay quanh mức 10%. Rõ ràng người tiêu dùng Mỹ và các DN Việt khó có thể cáng đáng chi phí này. Thực tế không riêng Sao Ta, không ít DN trong ngành thủy sản cũng đang rối bời trước thông tin thuế này.

Lâu nay Mỹ vẫn là một trong những thị trường chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch mỗi năm từ 1,5-2 tỷ USD, trong đó sản phẩm xuất khẩu chính là tôm và cá tra. Với mức thuế 46% thủy sản Việt Nam không thể cạnh tranh nổi. Đơn cử như con tôm Việt Nam lâu nay bị cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador.

Đặc biệt tôm Ấn Độ và Ecuador luôn tạo áp lực mạnh khi chào mức giá thấp hơn tôm Việt Nam để vào thị trường Mỹ. Nay với mức thuế áp cho Việt Nam “vượt mặt” Thái Lan, Ấn Độ, việc mất thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cùng với thủy sản, DN ngành dệt may cũng trong tâm trạng sốc, hoang mang khi nghe mức thuế đối ứng 46%. Ngay trong sáng ngày 3-4, các DN thuộc Hội Dệt may thêu đan TPHCM đã cùng nhau ngồi lại trao đổi về những áp lực nếu mức thuế 46% đưa vào áp dụng, chia sẻ về những hy vọng và cả cách thích ứng trong thời gian tới đây.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội, hiện các sản phẩm dệt may Việt Nam đang chịu thuế vào Mỹ khoảng 16% (thay đổi tùy mặt hàng), nay áp thêm thuế đối ứng 46% thì số thuế phải chịu sẽ vọt lên mức 62%, không thể nào cạnh tranh nổi so với những đối thủ cùng xuất hàng vào thị trường này như Bangladesh chỉ chịu thuế 37%, hay Ấn Độ chỉ 26%.

“DN cũng chưa biết làm thế nào, vì Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may Việt Nam. Chỉ biết kỳ vọng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cùng với nỗ lực đàm phán của Việt Nam thì Mỹ sẽ giảm thuế” - ông Hồng cho biết.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phản ứng với những thay đổi chính sách quan trọng này, DN Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội. Đó là xây dựng các chiến lược cân bằng kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận, để chứng minh khả năng phục hồi và thích ứng.

TS. SCOTT MCDONALD, Đại học RMIT Việt Nam

Nhìn lại năm 2024, ngành dệt may mang về 44 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ là 16,71 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành may hơn 5,6 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm hơn 2,4 tỷ USD.

Theo như phân tích một trong những lý do khiến các DN cảm thấy sốc, bởi khi bàn đến thuế đối ứng thời gian trước đó, nhiều ý kiến nhận định Việt Nam là quốc gia ít tổn thương nhất trong khu vực ASEAN về thuế đối ứng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược dự báo.

Nếu như thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 40% thị phần toàn ngành may, thì thị trường này lại chiếm hơn 50% thị phần của ngành gỗ Việt Nam, nên các DN cũng rất quan tâm đến các thông tin thuế đối ứng ngay khi nó được phía Mỹ nhắc đến. Trước đó, kịch bản “xấu nhất” DN nghĩ tới thuế đối ứng ở mức 25%, nay tới 46% là thách thức cho ngành gỗ quá lớn.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Phát 2, đơn vị có trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ, cho rằng mức thuế 46% nhập khẩu vào Mỹ là quá cao, rất khó cho đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh khi vào Mỹ. Ông Hiệp dự báo doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ giảm từ 60-70%, nếu Mỹ không thay đổi thuế nhập khẩu như đã công bố.

Hy vọng đàm phán giảm thuế

Sau tâm trạng sốc, hoang mang, choáng váng, phần nhiều DN cũng bình tâm hơn và đang trong tâm thế chờ đợi, hy vọng. Trước hết, chờ đợi những thông tin chi tiết hơn về nhóm ngành nào, mặt hàng nào sẽ chịu thuế đối ứng bao nhiêu, vì mức 46% là con số tổng quát nhưng không phải sẽ áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Bên cạnh đó là hy vọng Việt Nam có thể trao đổi, đàm phán để đưa thuế đối ứng về mức chấp nhận được.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Mỹ thông tin mức thuế đối ứng vào ngày 3 nhưng đến ngày 9-4 mới chính thức áp dụng, cũng là khoảng thời gian các bên có thể đàm phán. Riêng về DN ông Điền cho biết, ngay trong ngày 3-4 ông đang đàm phán cùng đối tác để đẩy nhanh lượng hàng xuất khẩu trước ngày 9.

Đồng tình với ông Hiệp, ông Hồ Quốc Lực cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những đàm phán, trao đổi thêm với Mỹ để giảm thuế đối ứng. “Hiện Sao Ta đang lo thu thập thông tin và xử lý các lô hàng tồn đọng sao cho thiệt hại ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã và đang triển khai việc chuyển hướng thị trường” - ông Lực bày tỏ.

Thực ra trước đó vào thời điểm tháng 2, khi được hỏi về phương cách ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, ông Lực đã chia sẻ về việc giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ, chuyển mạnh qua các thị trường trước đó DN đã có mặt như Nhật Bản, châu Âu. Theo ông Lực với những DN có uy tín, thương hiệu việc chuyển hướng thị trường không phải quá thách thức.

Thực ra việc chuyển hướng thị trường, tận dụng các thị trường có FTA với Việt Nam nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ không phải mới, nhưng lâu nay không nhiều DN chú trọng. Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến do thị trường Mỹ vẫn hấp dẫn với nhu cầu tiêu dùng hàng Việt rất cao, trong khi đó chuyển hướng cũng không đơn giản vì DN sẽ phải đầu tư chi phí, nhân sự cho các hoạt động tìm kiếm khách hàng, tìm hiểu thị hiếu thị trường… mà nhu cầu chưa chắc cao.

Song ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho rằng tác động từ thuế đối ứng chắc chắn sẽ đến, DN phải tìm cách thích ứng bằng cách tìm kiếm thị trường mới và chuyển dần sang cạnh tranh về chất lượng thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá.

Các tin khác