Doanh nghiệp 'lao đao' trước vấn nạn hàng nhái, hàng giả

(ĐTTCO) - Bảo vệ thương hiệu không còn là chuyện hình thức logo, không chỉ là bảo vệ lợi ích kinh tế mà là cuộc chiến giữ gìn giá trị nội tại, tinh thần và khí chất của doanh nghiệp.  

Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số” do Hiệp hội DNNVV Việt Nam tổ chức sáng ngày 28-5 tại Hà Nội, đại diện nhiều DN, nhận định chưa khi nào thế giới nhiều thay đổi, khó lường như hiện nay. Thương mại toàn cầu ngày càng nhiều biến số, từ biến động kinh tế, rủi ro pháp lý, đến những rủi ro về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số.

Theo báo cáo tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ.

1000030459.jpg

Tình trạng hàng giả, hàng nhái không phải là hiện tượng mới nhưng đang trở nên trầm trọng hơn trong thời gian gần đây. Từ mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng cho đến linh kiện điện tử, hàng thời trang… không lĩnh vực nào là "vùng an toàn".

Không chỉ chịu áp lực từ nội tại, các DN còn lao đao trước làn sóng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu, với những diễn biến khó lường mà giới quan sát khó có thể dự đoán chính xác. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe, chính sách bảo hộ mậu dịch đang có dấu hiệu quay trở lại tại nhiều nền kinh tế lớn.

Các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phức tạp hơn khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó. DN Việt Nam vốn phụ thuộc vào nguyên liệu và thị trường nước ngoài cũng vì thế gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng nhiều biến số như vậy thì việc xây dựng chiến lược bảo vệ thương hiệu càng trở nên cấp thiết với DN và đòi hỏi phải có chiến lược linh hoạt, đa tầng.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. “Không ít thương hiệu Việt uy tín bị giả mạo ngang nhiên trên cả thị trường truyền thống lẫn sàn thương mại điện tử. Hệ lụy lớn hơn cả là đại đa số người dân phải sử dụng những sản phẩm độc hại xuất phát từ sự thiếu đạo đức trong kinh doanh", ông Nam nói.

Chia sẻ thực tế từ DN, bà Nguyễn Thị Bính, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, cho biết nhiều sản phẩm bún được bán trên thị trường hiện nay là sợi tổng hợp. Họ bán không hết thì trả đem về, sắp lại bán tiếp cho người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng không hề biết, chỉ thấy nó bóng, sáng, đẹp nghĩ là tốt, ngon, nhưng thật sự quá nguy hiểm.

“Thực tế sản phẩm từ cơ sở của chúng tôi chỉ để được 1 ngày, đến ngày thứ 2 có thể thành bột, thế nhưng nhiều loại bún hiện nay trên thị trường có thể để trong ngăn mát tủ lạnh đến 3 năm chưa thiu. Với 7-8 đời làm nghề truyền thống tôi hiểu tận tường hơn ai hết không thể nào sợi bún bình thường để được như vậy”, bà Bính chia sẻ.

Cũng theo bà Bính, vấn đề nữa là sự trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào cùng với sản phẩm có uy tín trên thị trường cũng đang rất phổ biến. Ví như một cơ sở ký hợp đồng thu mua sản phẩm của DN để cung cấp vào suất ăn bán trú trong trường học, nhưng họ chỉ lấy 1 phần rất nhỏ của công ty, phần lớn lấy những hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc bên ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đến uy tín của DN.

“Bảo vệ thương hiệu vì vậy không còn là chuyện hình thức logo, không chỉ là bảo vệ lợi ích kinh tế mà là cuộc chiến giữ gìn những giá trị nội tại, tinh thần và khí chất của doanh nghiệp. Đây là những giá trị mà chỉ những người làm kinh doanh chân chính mới thấu hiểu và trân trọng", bà Bính nói.

Thông qua buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã phân tích đa chiều về những tác động đối với nền kinh tế, với mỗi DN trong bối cảnh nhiều biến số như hiện nay. Qua đó, góp phần giúp DN có những gợi mở hơn trong vấn đề bảo vệ được thương hiệu của mình - tài sản vô hình nhưng có giá trị sống còn với mọi DN.

Các tin khác