Ngày 22-9, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An tiếp tục tổ chức buổi đối thoại trực tuyến giữa ông Nguyễn Thanh Hải - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An - với 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Tính đến nay, Long An đã bước qua 7 ngày đi vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo kế hoạch của tỉnh.
Chờ 10 ngày chưa thấy thẩm định để được hoạt động
Bên cạnh 753 doanh nghiệp duy trì sản xuất "3 tại chỗ" xuyên suốt qua các đợt tỉnh này áp dụng giãn cách tối đa, đã có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trở lại với gần 20.000 công nhân sau khi được thẩm định và đáp ứng các tiêu chí mà tỉnh này đề ra như chỉ sử dụng tối đa 50% lao động, người lao động đã phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, phải tổ chức lưu trú lại cho lao động ngoài tỉnh vào, tổ chức đưa đón công nhân đảm bảo phòng dịch…
Đây đã là lần thứ 2 Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An tổ chức đối thoại kể từ khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất. Lần này, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến khá mạnh mẽ, thể hiện sự nôn nóng trong việc phải chờ đợi để có thể sản xuất trở lại.
Nhiều nhất vẫn là các ý kiến thể hiện mong muốn tháo gỡ thêm về việc đưa lao động từ TP.HCM về Long An.
"Sau khi xin được chấp nhận từng người lao động, lại phải tìm cách cho họ di chuyển trong TP.HCM đến nơi xe đón. Và mỗi lần qua các chốt giáp ranh lại rất phiền hà. Đề nghị Long An có văn bản chung, chi tiết và có cách liên hệ với các tỉnh khác để hỗ trợ việc công nhân ngoài tỉnh vào Long An được dễ dàng hơn", một doanh nghiệp bày tỏ.
Một số doanh nghiệp còn yêu cầu tỉnh "bỏ qua" giai đoạn thẩm định, cho phép doanh nghiệp cứ làm theo các quy định mà tỉnh ban hành rồi đi kiểm tra xử lý sau, thay vì cứ phải chờ thẩm định đạt yêu cầu mới được hoạt động như hiện nay.
"Tôi đã gửi kế hoạch, xin được hoạt động trở lại từ 10 ngày nay mà chưa được cơ quan nào xuống thẩm định", một doanh nghiệp bức xúc nói trong buổi trực tuyến.
Một tuần đã thẩm định 800 doanh nghiệp
Trả lời về việc đưa người từ ngoại tỉnh về, ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết hiện tỉnh đã có những mẫu quy định cụ thể, và có đầu mối để doanh nghiệp có thể liên hệ thực hiện.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn khá phức tạp, do đó ông Thanh đề nghị các doanh nghiệp nên tính toán chỉ đưa những chuyên gia, những lao động thật sự cần thiết để đảm bảo dây chuyền sản xuất về, nhằm tránh tối đa việc lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh.
Còn về việc doanh nghiệp phải chờ quá lâu để được thẩm định, ông Thanh nói thêm hiện tại đang có hàng trăm doanh nghiệp đã gửi hồ sơ: "Trong tuần qua, chúng tôi đã chia đoàn đi thẩm định khoảng 800 doanh nghiệp, chúng tôi cam kết ai đã đăng ký sẽ thẩm định hết, nhưng mong các doanh nghiệp chia sẻ vì lượng đăng ký rất đông, chịu khó chờ lần lượt".
Với câu chuyện vì sao doanh nghiệp bắt buộc phải được thẩm định mới có thể hoạt động, ông Thanh cho biết trong đợt kiểm tra vừa qua, vẫn có gần 20% doanh nghiệp không đảm bảo, đáp ứng về công tác phòng chống dịch.
"Trong khi đó như chúng ta biết rồi, thời gian giãn cách vừa qua có đến 13% doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" phát sinh dịch bệnh, lên đến hàng ngàn ca nhiễm. Phần lớn các doanh nghiệp chuẩn bị rất tốt, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp còn chủ quan. Nếu để họ hoạt động trước, đợi phát sinh ca bệnh thì đã muộn, hậu quả cho chính doanh nghiệp cũng rất lớn", ông Thanh chia sẻ.