Ngày 18-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Xuất nhập khẩu trong bối cảnh Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những lưu ý cho doanh nghiệp (DN) về hợp đồng kinh doanh quốc tế”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, DN chỉ ra rằng nhiều DN khá lúng túng trong quá trình hội nhập, nhất là việc đàm phán, thiết lập hợp đồng…
Số liệu thống kê từ ITPC, trong 11 nước tham gia CPTPP, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước đạt kim ngạch xuất nhập khẩu tương đối cao - gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá, lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018.
Bốc hàng xuất khẩu lên tàu tại cảng Cát Lái. Ảnh: CAO THĂNG
Dự đoán, với CPTPP, các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi lớn về thuế. CPTPP mang đến cho DN Việt nhiều cơ hội khi hầu hết quốc gia thành viên sẽ áp mức thuế 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
Bên cạnh đó, CPTPP tạo động lực cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư, xuất khẩu, giúp DN có thể tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, tại hội thảo, một số DN cho biết cảm thấy lo lắng trong quá trình hội nhập vì không rõ tiềm lực thực sự của đối tác ra sao, lo sợ bị lừa đảo, khó xác minh thông tin đối tác. Trước những vướng mắc của DN, các chuyên gia, luật sư khuyến cáo DN nên tìm hiểu kỹ đối tác thông qua các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước. Song song đó, DN cũng nên chủ động nâng cao nghiệp vụ giao dịch, nghiệp vụ ngoại thương, cẩn trọng khi đàm phán, ký kết hợp đồng…
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, trong xúc tiến thương mại, DN nên đi theo tập thể (trung tâm xúc tiến, tham tán thương mại…) để dễ đạt hiệu quả. Trao đổi thêm với DN, luật sư Trần Xuân Chi Anh (Công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT) lưu ý về một số rủi ro trong giao kết hợp đồng.
Ví dụ, đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ quốc tế…, DN nên chú ý đến các phụ lục hợp đồng. Vì thực tế, có những DN không dành thời gian đọc kỹ các phụ lục hợp đồng, “nhắm mắt” ký, nên khi xảy ra tranh chấp thì gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Thêm nữa, trong quá trình giao dịch quốc tế cũng thường xuyên xảy ra các vụ lừa đảo, nếu DN không quản lý chặt chẽ hệ thống (email, hệ thống thanh toán…), sẽ tạo sơ hở cho hacker thâm nhập chỉnh sửa số tài khoản, lấy tiền của đối tác DN.
Điều này dẫn tới việc DN chuyển tiền nhưng đối tác không nhận được. Các vụ kiện như thế này thường rất phức tạp. Thêm nữa, để giúp DN bảo vệ mình ngay từ ban đầu khi giao kết hợp đồng, luật sư Châu Việt Bắc cho rằng các DN Việt Nam cần chú trọng, nâng cao quy trình soạn thảo hợp đồng để tránh cạm bẫy xuất phát từ giao kết, góp phần chủ động phòng tránh và tận dụng quyền lợi của mình.