Ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này là 40.000 tỉ đồng. Hiện các doanh nghiệp đều trông chờ chính sách này được thực hiện để giảm chi phí hoạt động.
Người vay sốt ruột
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An), cho hay từ khi nghe thông tin Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất (LS) 2%, ông và nhiều đơn vị khác rất mừng, nhưng hỏi thăm đã gần hết tháng 2 vẫn chưa nghe tăm hơi gì.
Ông trần tình, công ty ông vay bên Ngân hàng (NH) ACB với lãi suất 8,5 - 9%/năm, mới làm việc lại với phía NH cũng chưa nghe động tĩnh gì về khoản hỗ trợ giảm LS này. Theo ông An, nếu được hỗ trợ theo quy định, mỗi tháng HTX sẽ giảm được hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
“Chúng tôi cũng hiểu là chính sách có đủ, triển khai về các NH, NH đồng ý mới cho vay. Nói chung mọi thứ đối với người đi vay vẫn hết sức bị động và khó tiếp cận. Lâu nay cứ nghe gói này gói kia hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng, nghe con số rất lớn, nhưng thực tế chúng tôi vẫn vay LS 8,5%/năm, nếu vay ở NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thấp hơn là 8%/năm thì không tiếp cận được.
Thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn. Hiện tại là rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bị ùn ứ khi xuất khẩu khiến doanh nghiệp (DN) vô cùng khó khăn. Từ trước và sau Tết Nhâm Dần đến nay, thị trường nước ngoài có phục hồi nhưng xuất khẩu trái cây của HTX Tầm Vu giảm gần 50%, do dịch bệnh, khách hàng giảm mua, rồi chính sách siết tại cảng từ phía Trung Quốc, thiếu container lạnh... Muốn đổ toàn lực để phục hồi sau đại dịch cũng không dễ và mong được hỗ trợ từ Chính phủ càng sớm”, ông Trương Quang An chia sẻ.
Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở sản xuất nem chả Quang Hậu (TP.HCM), cho hay chiều 23.2 ông làm việc với NH cũng chưa nghe nhắc đến thông tin hỗ trợ LS nói trên. Hiện tại, cơ sở của ông vẫn vay vốn với LS 8,4%/năm.
Theo dự thảo nghị định do NH Nhà nước (NHNN) xây dựng để cho vay ưu đãi thì cơ sở ông nằm trong diện được hỗ trợ LS. Tuy nhiên, ông cũng cám cảnh vì chờ thực hiện thì rất lâu và đôi khi khó “chạm” đến. Cơ sở của ông đang vay 1 tỉ đồng, trả lãi NH 84 triệu đồng một năm, nếu giảm 2% cũng được phần đáng kể.
“Chỉ mong chính sách nếu có đến gần với hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ nhiều hơn. Chứ nếu đặt ra điều kiện là DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì nhiều cơ sở cũng sẽ rất khó. Khó khăn kéo dài mà chính sách thì chậm quá.
Nghe nói mới làm dự thảo nghị định, rồi chờ Chính phủ ký thông qua nghị định, về Bộ Tài chính hay NHNN lại có thông tư hướng dẫn nữa. Vậy không biết khi nào mình mới tiếp cận khoản vay hỗ trợ đó? Nói chung khôi phục kinh tế là chuyện “dầu sôi lửa bỏng”, nhưng chúng tôi thấy các bộ ngành triển khai chậm quá”, ông Hậu nói.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành, cho biết ông làm nhà ở xã hội, nhưng phải vay qua NH thương mại với mức lãi suất 11%/năm. Tại dự thảo nghị định về hỗ trợ lãi suất, đối tượng được áp dụng có nhà đầu tư vay vốn để xây dựng nhà ở xã hội. Nếu vậy, khoản vay 100 tỉ đồng, bớt đóng lãi được 2 tỉ đồng,
DN sẽ thấy được quan tâm phần nào. Tuy nhiên, riêng với chính sách cho vay làm nhà ở xã hội, cần có quy trình hỗ trợ bền vững và lâu dài hơn. Bởi làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân... còn rất nhiều dự án. Dự án nào cũng phải bỏ tiền xây rồi thu lại rất chậm và rất lâu. Nên chăng nhà nước cho tái cấp bù LS cho NH thương mại để DN dễ tiếp cận nguồn vay hơn là quy về NH Chính sách xã hội…
Phải đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ
Hiện NHNN vẫn đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Mới đây, trong văn bản gửi các DN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thông báo sẽ nhận ý kiến đóng góp trước ngày 2.3 để kịp tổng hợp gửi Ban soạn thảo.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định chính sách hỗ trợ LS 2%/năm cho nhiều DN, hộ kinh doanh và HTX là theo đúng mục tiêu để khuyến khích các đơn vị phát triển sau khi đã chịu tác động nặng từ đại dịch Covid-19.
Việc nhấn mạnh đến thời gian giải ngân mà không phụ thuộc vào thời gian các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây là đúng trọng tâm khi Chính phủ thật sự mong muốn dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, để việc hỗ trợ thật sự hiệu quả, đến tận tay các DN, ông Hiển mong rằng NHNN phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các NH thương mại. Điều này để tránh tình trạng các nhà băng lại tùy tiện tăng LS rồi mới tính cho DN được giảm 2%.
Ví dụ, năm 2021 các cơ sở được vay với LS 9%/năm thì theo sự hỗ trợ của Nhà nước, năm nay khoản vay của họ được giảm lãi 2% xuống còn 7%/năm. Chứ không phải tình trạng NH tăng LS cho vay lên 10% và các đơn vị sau khi được giảm 2% thì LS vay mới là 8%/năm. Như vậy vô hình chung DN đã bị “chặn” bớt phần hỗ trợ LS này.
Hơn nữa, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng quy trình xây dựng và ban hành văn bản của VN vẫn còn quá chậm dù đã được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn. Chẳng hạn với nghị định này theo dự thảo của NHNN là sẽ ban hành trong quý 1/2022, nhưng không biết sẽ còn cần thông tư hướng dẫn hay không.
“Bản thân DN trông chờ vì đã sắp hết quý 1, chậm ngày nào thì DN càng gặp khó khăn ngày đó. Các NH thương mại thì sẽ không dám thực hiện trước khi có văn bản từ NHNN vì cũng không biết được họ có bị thanh tra cho những hợp đồng đã ký trước khi có nghị định ban hành hay không. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là làm sao rút ngắn được thời gian ban hành quy định để nhanh triển khai chính sách hỗ trợ đến tay các DN, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục và phát triển kinh tế trong năm nay”, TS Hiển nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc hỗ trợ LS sẽ được thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua các NH thương mại đối với các khoản vay thương mại cho DN, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành vận tải, kho bãi, du lịch, ăn uống, giáo dục, công nghiệp chế biến chế tạo, cho vay cải tạo chung cư cũ...