Doanh nghiệp niêm yết hồ hởi báo lãi

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp (DN) niêm yết đang bước vào mùa cao điểm công bố BCTC năm 2017. Điểm nổi bật trong mùa công bố BCTC năm này là nhiều DN không chỉ về đích mà còn vượt xa kế hoạch cả năm. 
Sự trở lại của CP ngân hàng, bất động sản
Năm 2017 đánh dấu sự trở lại của các ngân hàng sau nỗ lực tái cơ cấu theo hướng xử lý dứt điểm nợ xấu. Theo BCTC quý IV vừa được Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố,  lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.405 tỷ đồng (vượt 87% kế hoạch cả năm).
Riêng quý IV, VIB đã ghi nhận lợi nhuận lên đến 782 tỷ đồng (gấp 2,66 lần cùng kỳ năm trước). Vietcombank (VCB) dù chưa công bố các số liệu cụ thể trên BCTC nhưng ước tính lợi nhuận trước thuế có thể đạt 11.000 tỷ đồng (tăng 32,9% và vượt 16% kế hoạch năm). Đây là mức lãi kỷ lục từ trước đến nay của VCB.
 Kết quả kinh doanh của các DN niêm yết chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ TTCK tăng 48% trong năm 2017. Ước tính, tổng lợi nhuận năm 2017 của các DN trên HOSE tăng 27,5%, EPS cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 19,6% so với cùng kỳ các năm trước.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDB), dù chưa công bố BCTC quý IV nhưng ước lợi nhuận năm 2017 có thể đạt 2.420 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2016). Hiện tổng tài sản hợp nhất của HDB tính đến 31-12-2017 đạt trên 191.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng, tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%, hợp nhất cùng Công ty tài chính tiêu dùng HD Saison là 1,5%, hệ số an toàn vốn bình quân 14%, ROE 15,6%.
Về nhóm DN bất động sản, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) là DN đầu tiên công bố BCTC, ước kết quả kinh doanh năm 2017 với doanh thu và lợi nhuận đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, TDH ước tổng doanh đạt gần 1.947 tỷ đồng (tăng 70% và vượt 43% chỉ tiêu kế hoạch cả năm), lãi ròng đạt 142,4 tỷ đồng (tăng 32% và vượt 9% chỉ tiêu kế hoạch).
Riêng trong quý IV, TDH ước doanh thu gần 402 tỷ đồng và lãi 14,4 tỷ đồng. Sau TDH, CTCP Xây lắp phát triển nhà Đà Nẵng (NDX) công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với lãi ròng ước đạt hơn 15 tỷ đồng (vượt 66% kế hoạch năm). Được biết, NDX đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 190 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 9 tỷ đồng. 
Doanh nghiệp niêm yết hồ hởi báo lãi ảnh 1 HDBank năm 2017 đã bức phá với lợi nhuận ước khoảng 2.420 tỷ đồng. Ảnh: P.LONG 
Ấn tượng nhóm chứng khoán, thủy điện
TTCK khởi sắc trong năm 2017 đã giúp nhóm CTCK ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo BCTC quý IV-2017 vừa được CTCK Sài Gòn (SSI) công bố, DN này đã cán mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, SSI ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.957 tỷ đồng và 1.278 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 20,5%. Với kết quả này, SSI lần đầu ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt hơn 1.054 tỷ đồng (tăng 21%).
Tương tự CTCK Rồng Việt (VDS) ghi nhận doanh thu cả năm 366 tỷ đồng (vượt 38,34% kế hoạch cả năm), lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng (vượt 125% so với kết quả thực hiện được năm 2016 là 61,3 tỷ đồng). Theo VDS, các mảng kinh doanh của DN đều tăng trưởng tốt như: dịch vụ CK tăng 32,48%, đầu tư tài chính chiếm tăng 98,36%, kinh doanh môi giới tăng 77,45%. 
2017 cũng được xem là năm thuận lợi với DN ngành thủy điện khi mưa nhiều, sản lượng điện tăng mạnh. Các DN ngành thủy điện đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với năm 2016 và vượt xa kế hoạch đặt ra. Đơn cử, CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) đạt doanh thu thuần 700 tỷ đồng (tăng trưởng 56% và vượt 48% kế hoạch năm), lợi nhuận ròng đạt gần 311,5 tỷ đồng (gấp 3 lần năm trước và gấp đôi chỉ tiêu cả năm).
Tương tự, CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP) ước tính năm 2017 tiêu thụ gần 877,5 triệu kWh điện, lợi nhuận sau thuế ước đạt 403 tỷ đồng (vượt 82% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm). CTCP Thủy điện Bắc Hà (BHA) ghi nhận lãi ròng đạt 65,7 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với mức 10,7 tỷ đồng năm 2016.

Khả quan nhiều DN 
Giá mủ cao su phục hồi mạnh trong năm 2017 là chính động lực giúp các DN cao su thiên nhiên báo lãi trong năm 2017. Cụ thể, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) ước lãi trước thuế cả năm đạt 400 tỷ đồng (vượt 47% kế hoạch năm), CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng (tăng 19% và vượt xa kế hoạch cả năm). Ấn tượng nhất là CTCP Cao su Bà Rịa (BRR) báo lãi sau thuế cả năm gần 87 tỷ đồng (tăng 163% và vượt 77% chỉ tiêu cả năm).
Trong khi đó, nhóm công ty thành viên thuộc CTCP Tập đoàn Kido (KDC) gồm: Tổng CTCP Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (VOC), CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, VOC vượt 42% kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trong năm 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng; TAC ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi năm 2016 với 297 tỷ đồng.
Đối với KDF, dù điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành kem, nhưng DN này vẫn duy trì được đà tăng trưởng với lợi nhuận trước thuế đạt 174 tỷ đồng (tăng 6,7%). Kết quả kinh doanh ấn tượng của các công ty con này đã giúp KDC ghi nhận được những con số khả quan.
Theo BCTC quý IV-2017 vừa được công bố, doanh thu thuần năm 2017 của KDC tăng hơn gấp đôi so với năm trước sau khi hợp nhất 2 công ty con là VOC và TAC. Cụ thể doanh thu năm 2017 của KDC đạt 7.022 tỷ đồng (tăng 213%), lợi nhuận trước thuế đạt 569 tỷ đồng (vượt xa kế hoạch cho cả năm 2017 là 490 tỷ đồng). Đáng chú ý là lợi nhuận chưa phân phối của KDC tính đến cuối năm 2017 lên đến 2.435 tỷ đồng và 51 triệu CP quỹ có giá trị khoảng 2.300 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, nhiều DN bất ngờ lao dốc trong năm 2017, như CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF). Theo BCTC kiểm toán năm 2017 (kết thúc ngày 30-9-2017) vừa được công bố, DN này bất ngờ lỗ trong khi BCTC tự lập trước đó là con số dương. Cụ thể, doanh thu thuần AGF năm 2017 sau kiểm toán đạt gần 2.274 tỷ đồng (giảm nhẹ 178 tỷ đồng so với trước kiểm toán), lãi gộp sau kiểm toán đạt 89 tỷ đồng (giảm hơn 55% so với báo cáo tự lập).
Đáng chú ý chi phí quản lý DN sau kiểm toán của AGF đội lên gần 103 tỷ đồng (trước kiểm toán chỉ có 21,5 tỷ đồng) do phải trích lập dự phòng hơn 83 tỷ đồng. Với những con số bất lợi trên, AGF báo lỗ hơn 187 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2016-2017, trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi hơn 4 tỷ đồng. Tương tự, BCTC quý IV vừa được CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) công bố, cho thấy DN này tiếp tục ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp chìm trong thua lỗ, khiến cả năm âm gần 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 7,8 tỷ đồng. 

Các tin khác