Cần tiếng nói chung
Trái với tâm lý dè dặt trước đây “không sản xuất được ốc vít để cung ứng cho các tập đoàn FDI”, nhiều DN trong nước đã tự tin giới thiệu năng lực sản xuất của mình. Trong đó, rất nhiều DN không đơn thuần chỉ sản xuất sản phẩm giản đơn như ốc vít, khuôn chế tạo, sản phẩm vỏ nhựa, bao bì… mà đã sản xuất được sản phẩm có giá trị gia tăng cao như lõi motor, chip điện tử, bảng bo mạch…
Đại diện Công ty Tường Vinh cho biết, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lớn với quy mô 40.000m2 và 1.000 công nhân, kỹ sư. Sản phẩm chính của công ty là motor - trái tim hoạt động của tất cả các máy móc. Hiện công ty đã gia nhập nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Công ty đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy sản xuất thứ 2 với quy mô tương tự. Đến chương trình kết nối trên, công ty đặt vấn đề sẽ hợp tác sản xuất sản phẩm motor cung ứng cho các sản phẩm thiết bị, máy móc của Tập đoàn Techtronic Industrial (TTI). Công ty đang đề nghị TTI minh bạch tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung ứng.
Ở khía cạnh khác, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí Duy Khanh cho rằng, để có thể đầu tư nhà máy cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói chung, DN cần hơn 200 tỷ đồng. Thế nhưng, sẽ có những rủi ro nhất định là đầu tư xong nhưng DN lại không nhận được hợp tác từ các tập đoàn FDI. Vậy các tập đoàn FDI nếu thực sự có nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì nên có những ký kết hợp tác chiến lược về việc thu mua sản phẩm cho các DN sản xuất. Việc này vừa giúp DN trong nước vững tâm đầu tư, mặt khác các tập đoàn FDI cũng sẽ gắn trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ, cải thiện năng lực sản xuất cho DN nội, đáp ứng tiêu chuẩn nhà cung cấp cho tập đoàn.
Một vấn đề khác được nhiều DN đặt ra là thời hạn thanh toán. Nhiều tập đoàn FDI yêu cầu thời gian cung ứng đơn hàng là 14 ngày nhưng thời gian thanh toán đơn hàng lại kéo dài 90 - 120 ngày. Việc này ảnh hưởng không tốt đến nguồn vốn lưu động của DN, nhất là khi có đến 90% DN trong nước là DN nhỏ và vừa. Vậy nên chăng, cần có những chính sách thanh toán linh hoạt hơn để DN nội có thể tìm điểm chung với các tập đoàn FDI.
Nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt
Trước ý kiến của DN Việt, nhiều đại diện các Tập đoàn FDI nhìn nhận, năng lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đơn cử, với 5 yêu cầu mà các tập đoàn đưa ra để được gia nhập vào chuỗi cung ứng là an toàn chất nguy hại, môi trường, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, an ninh nhà máy thì thường chỉ có 3 chỉ tiêu đạt được là chất nguy hại, chất lượng nguồn nhân lực, an ninh nhà máy. Hai chỉ tiêu còn lại không đạt. Thế nhưng, chỉ sau gần 2 tháng cải tiến, các DN Việt đã đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn FDI, đặc biệt chất lượng sản phẩm nâng từ 51% lên 88%.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, chia sẻ, việc đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập chuỗi cung ứng của DN nội không khó. Khó ở chỗ lãnh đạo DN có thực sự muốn chuyển đổi hay không. Hiện đã có nhiều tập đoàn FDI cam kết đưa các chuyên gia đến hỗ trợ DN Việt cải tiến năng lực sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, sau khi trung tâm phối hợp với các tập đoàn FDI cải tiến năng lực sản xuất, giảm tỷ lệ hàng lỗi, khắc phục yếu kém trong khâu quản trị… thì đã có hơn 30 DN trên địa bàn thành phố gia nhập được vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung, Schneider, Sony, Honda, Sanyo… Còn về chính sách thanh toán, trung tâm cũng như các tập đoàn FDI đã làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để có nhiều chính sách linh hoạt hỗ trợ cho các DN Việt.
Có thể nói, phải mất trung bình 30 ngày để nhiều tập đoàn FDI cho ra thị trường một sản phẩm mới. Thời gian này sẽ ngắn hơn với những sản phẩm công nghệ cao. Do đó, đơn đặt hàng mà DN cung ứng cũng phải rút ngắn xuống 14 ngày. Thế nên, việc hình thành chuỗi cung ứng tại chỗ rất quan trọng để đảm bảo tiến độ sản xuất của các tập đoàn FDI. Chưa kể, có sản phẩm hỗ trợ tại chỗ sẽ giúp các tập đoàn này giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh. Vì thế, sự lớn mạnh của chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được xem là nền tảng cơ sở để thu hút “đại bàng đến làm tổ”.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Khu công nghệ cao TPHCM, cho biết, hiện Ban quản lý Khu công nghệ cao đang làm việc với nhiều tập đoàn FDI để mời gọi họ đầu tư vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Trong đó, ưu tiên các tập đoàn sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0, các trung tâm nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới… Dư địa thị trường trong nước còn rất nhiều. Vấn đề còn lại, DN Việt Nam cần xem lại tính cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, sản phẩm không dừng lại ở mức cạnh tranh địa phương mà phải cạnh tranh toàn cầu.
650 triệu USD đầu tư trung tâm R&DÔng Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn TTI - đơn vị hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị điện không dây dùng ngoài trời và tự chăm sóc sàn xe cho biết, hiện công ty chiếm 44% thị phần toàn thế giới về thiết bị không dây. Tốc độ tăng trưởng của công ty từ năm 2014 đến nay duy trì mức tăng 20% - 35%. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường khu vực châu Á, đầu năm 2020, tập đoàn quyết định đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm mới kết hợp sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM, có tổng vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD. Để đi đến quyết định này có rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, một trong số những yếu tố quan trọng nhất, chính là môi trường đầu tư tại Việt Nam rất thuận lợi. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước rất nhiều, đảm bảo tiến độ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của tập đoàn. Chỉ tính từ khi chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2019 đến nay, tập đoàn TTI đã xây dựng chuỗi cung ứng nội địa với hơn 100 DN Việt Nam tham gia. TTI đang có kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy tại Việt Nam từ 1,2 tỷ USD/năm lên 3 tỷ USD/năm vào năm 2022. Do đó, TTI rất cần nguồn cung ứng nội địa từ doanh nghiệp Việt Nam. Linh hoạt chính sách hỗ trợ vốncho doanh nghiệpÔng Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Trung tâm Khách hàng phía Nam của Ngân hàng Vietinbank, cho biết, hiện có nhiều chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ vốn vay cho DN đầu tư sản xuất. Cụ thể, nếu phương án đầu tư nhà xưởng của DN khả thi, DN có thể tiếp cận gói vay vốn trung dài hạn với mức lãi suất 8% - 10%/năm. Còn mức vay thì tùy vào quy mô đầu tư của DN sẽ được ngân hàng thẩm định và định mức vay. Với những DN nhỏ và vừa đã đi vào hoạt động sản xuất, nếu gặp khó khăn nguồn vốn lưu động do các tập đoàn FDI có thời hạn thanh toán dài, có thể vay vốn ngắn hạn bằng hình thức tín chấp. Theo đó, DN sẽ tín chấp bằng chính đơn hàng đã ký kết với tập đoàn và có xác nhận của tập đoàn FDI. Mức hỗ trợ vay tín chấp này có thể dao động 70% - 100% giá trị đơn hàng cần thanh toán. Riêng mức lãi vay cho loại hình này tùy thuộc vào thời điểm và chủng loại hàng mà DN sản xuất. Đây được xem là hình thức giải quyết nhanh nguồn vốn lưu động cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn chế. |