Dù chiếm lĩnh được thị phần nội địa, nhưng các doanh nghiệp thép niêm yết lại hoạt động không mấy hiệu quả. Báo cáo tài chính quý I được công bố, cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa, khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự giảm đáng kể về lợi nhuận, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn báo lỗ.
Các doanh nghiệp báo lỗ trong quý đầu tiên của năm 2019, có thể kể đến là CTCP Thép Nam Kim (NKG) lỗ 102 tỷ đồng, CTCP Thép Pomina (POM) lỗ 82 tỷ đồng, CTCP Thép Dana - Ý (DNY) lỗ 57 tỷ đồng, CTCP Thép Việt Ý (VIS) lỗ 34 tỷ đồng, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) lỗ 26 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại dù không rơi vào cảnh thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng sa sút nghiêm trọng. Đơn cử Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN) với lợi nhuận quý I sụt giảm đến 80%, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm 53%, CTCP Đầu tư - Thương mại SMC (SMC) giảm 52%, CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe (VGS) giảm 43%, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) giảm giảm 33%.
Ngay doanh nghiệp đầu ngành là Thép Hòa Phát (HPG) cũng có dấu hiệu chững lại với lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 2.171 tỷ đồng (giảm đến 16,8% so với cùng kỳ 2018).
Giải trình về kết quả kinh doanh quý I, bà Đoàn Thị Mỹ Hồng, Tổng giám đốc DTL, cho biết do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán thành phẩm không thể tăng nhiều, đã khiến doanh nghiệp thua lỗ. Giá vốn tăng cao cũng khiến POM lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ sau 4 năm liên tiếp kinh doanh có lãi.
Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Tổng giám đốc TVN, doanh nghiệp trong nước phải mua nguyên liệu đầu vào giá cao, nhưng đầu ra của phôi lại thấp nên càng sản xuất càng thua lỗ.
Trước khó khăn này, không ít doanh nghiệp đã chủ động giảm chỉ tiêu kinh doanh, thậm chí lên kế hoạch lỗ 92,5 tỷ đồng trong năm 2019 như trường hợp của VIS. Nếu VIS có chỉ tiêu kinh doanh cụ thể dù là chỉ tiêu lỗ, thì ĐHCĐ của DNY lại không đưa ra bất cứ chỉ tiêu kinh doanh nào trong năm 2019.
Tại ĐHCĐ niên độ tài tài chính 2018-2019, HSG công bố chỉ tiêu kinh doanh với 31.500 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù vậy, HĐQT tập đoàn này vẫn dự phòng kết quả xấu hơn trong niên độ tài chính 2018-2019. Nguyên nhân do thị trường không có nhiều tích cực khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh dựa trên cơ sở mức giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) là 470 USD/tấn. Nếu giá HRC tiếp tục giảm, HSG có khả năng thua lỗ.
Tương tự, ĐHCĐ của TIS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 90 tỷ đồng (giảm 50%). Thế nhưng, trong bản đánh giá hoạt động 2018, lãnh đạo doanh nghiệp này thừa nhận việc SCIC rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi TIS cuối tháng 4-2017, đã làm các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp xấu đi rất nhiều. Các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn cũng đánh giá thấp khả năng tài chính của doanh nghiệp.
Mặt khác, do dự án chưa có hướng giải quyết, các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời tăng lãi suất lên 8%/năm, khiến doanh nghiệp khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao. Đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của TIS lâm vào tình trạng rất khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu, nếu không có sự giải cứu kịp thời.
Rõ ràng với chính sách bảo hộ giúp doanh nghiệp làm chủ thị phần trong nước, nhưng với thị trường xuất khẩu doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Đây chính là nguyên do khiến xuất khẩu các sản phẩm thép sẽ gặp nhiều khó khăn.