Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm từ 5%-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai trong giai đoạn 2019-2025, và từ 8%-10% trong cả giai đoạn từ 2019 - 2030. Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, nhưng thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm.
Doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quyết liệt
Khảo sát của VNEEP3 cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng TKNL lên tới 30% - 35%. Nhiều rào cản còn hiện hữu đối với cơ quan quản lý nhà nước và DN trong quá trình triển khai các giải pháp TKNL, trong đó công nghệ và chính sách vẫn là bài toán lớn nhất.
Khẳng định việc TKNL tại doanh nghiệp (DN) đang là yếu tố hàng đầu, ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam thông tin, đã có rất nhiều DN hiện đang hăng hái tìm những giải pháp, những công nghệ cho TKNL, đặc biệt là một số các DN FDI hoặc các DN Việt Nam lớn. Nhưng cũng có một số DN sau khi tìm hiểu xong vẫn không có hành động nào, nếu có cũng chỉ mang tính chất rất cầm chừng và thậm chí DN không có đầu tư gì cho TKNL.
“Việc đầu tư cho TKNL vẫn được các DN nhìn nhận như một vấn đề để chấp nhận theo yêu cầu của Chính phủ, hơn là nhìn thấy cơ hội cho chính DN tối ưu hóa việc vận hành, tăng hiệu suất cạnh tranh nên mức đầu tư cho TKNL của DN hiện vẫn khá cầm chừng, vẫn chưa có sự quyết liệt”, ông Khoa chỉ ra.
Đồng tình với đánh giá trên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện của DN ở đâu đó vẫn còn rất hạn chế. Có những DN chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện, một phần do nhận thức, phần khác do khó khăn để thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất, dẫn đến việc sử dụng năng lượng một cách lãng phí.
Trong khi tiềm năng TKNL ở các DN sản xuất là rất lớn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng từ 20%-30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Còn theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương, chỉ số này thậm chí có thể lên tới 30%-35%.
“Chính sách giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, được ban hành từ năm 2014 phụ thuộc vào các cấp điện áp. Thực tế cho thấy, đối với giá điện sản xuất giờ bình thường chỉ chiếm từ 84%-92% giá bình quân và giờ thấp điểm giá điện sản xuất chỉ chiếm từ 52%-59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy, việc tiết kiệm điện đối với các DN sản xuất đâu đó vẫn chưa được quan tâm một cách thực sự”, ông Dũng nêu bất cập.
Tiết kiệm năng lượng phải trở thành phong trào
Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, từ đó tạo ra được sự đồng thuận lớn của DN trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Song hành với đó cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
“EVN thường xuyên, liên tục và kiên trì với việc khuyến nghị các DN trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong thời gian tới là những chương trình về điều chỉnh phụ tải. Chương trình điều chỉnh phụ tải sẽ giúp cho các DN để san bằng biểu đồ phụ tải, nhờ đó sẽ giảm được chi chi phí mua điện giờ cao điểm. Khi DN hiểu rõ được vấn đề này, phong trào hưởng ứng đại đa số các DN sẽ tích cực hơn”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Nhiều DN muốn TKNL nhưng còn khó khăn khi muốn thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất
Các DN nên nắm bắt những thay đổi từ bên ngoài liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề năng lượng và môi trường là khuyến nghị của ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương). Ông Dũng phân tích, dù muốn hay không khi yêu cầu của thị trường thay đổi, DN cũng sẽ phải thay đổi theo, cho nên TKNL cũng như môi trường là những vấn đề đang đối mặt với các DN. Các quy định về năng lượng và môi trường sẽ đặt ra rất nhiều các thách thức, nhưng cũng là cơ hội nếu DN sớm tiếp cận, sớm chuẩn bị để chủ động hơn trong chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn.
“Bộ Công Thương bên cạnh những giải pháp về quản lý cũng đưa ra rất nhiều chương trình để hỗ trợ cho DN trong vấn đề TKNL. Cụ thể như các chương trình về kiểm toán năng lượng miễn phí, giúp DN hỗ trợ xây dựng những hệ thống quản lý năng lượng hay các chương trình liên quan đến bảo lãnh vốn vay… Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang thí điểm một vài quỹ, cũng như những công cụ tài chính hỗ trợ nguồn vốn vay khi DN muốn tiếp cận vốn đầu tư cho TKNL”, ông Đặng Hải Dũng khẳng định.
Khi có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ chính các DN, hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp nói riêng, các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung sẽ có những cải thiện rõ rệt trong thời gian tới.