Lợi nhuận nhờ tiền gửi tiết kiệm
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III, với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3.138 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước).
Đây là mức tăng lợi nhuận cao nhất tính từ quý I-2019, đặc biệt trong bối cảnh thị trường sữa bão hòa khiến mức tăng lợi nhuận của Vinamilk chỉ đạt 1 con số trong nhiều quý, thậm chí lợi nhuận âm trong quý IV-2019 và quý I-2020. Tăng trưởng 2 con số không có nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinamilk được cải thiện.
Lấy dẫn chứng từ chính sách cắt giảm chi phí quảng cáo và nghiên cứu thị trường hơn 560 tỷ đồng. Thế nhưng, các chi phí như khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng lại tăng vọt từ 6.281 tỷ đồng lên 9.672 tỷ đồng, khiến chi phí bán hàng vẫn tăng 4% sau 9 tháng. Đáng chú ý, chi phí quản lý của Vinamilk cũng tăng 33,6% lên 1.222 tỷ đồng.
Nhưng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận trong kỳ của Vinamilk là thu nhập từ khoản tiền gởi tiết kiệm. Theo BCTC hợp nhất, tại thời điểm cuối quý III, DN này có 2.336 tỷ đồng và tương đương tiền (giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm).
Tuy nhiên, khoản đầu tư tài chính (chủ yếu tiền gửi có kỳ hạn ngắn) lên đến 17.872 tỷ đồng (tăng 44% so với đầu năm). Do BCTC trong quý không thuyết minh rõ, nhưng theo BCTC quý trước đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) của Vinamilk được hưởng lãi suất 7,1-8,65%/năm, còn tiền gửi kỳ hạn dài (trên 12 tháng) lãi 7,4%/năm.
Với mức lãi suất cao chót vót này, riêng khoản tiền gửi đã giúp Vinamilk thu về 869 tỷ đồng, đưa doanh thu hoạt động tài chính tăng 71% lên 979 tỷ đồng.
Tổng CTCP Khí Việt Nam (PV GAS, mã CK: GAS) là DN luôn duy trì khoản tiền gởi NH rất cao. Tính đến thời điểm 30-9, tổng tài sản của PV GAS đạt 61.700 tỷ đồng, trong đó tiền và tiền gửi NH 26.732 tỷ đồng. Trong bối cảnh sản lượng khí vào bờ và giá dầu trung bình các mặt hàng cũng giảm mạnh, nguồn thu từ tiền lãi NH đã phần nào giúp PV GAS không bị “sa lầy”.
Theo BCTC hợp nhất quý III, doanh thu và lợi nhuận gộp của PV GAS giảm lần lượt 16% (đạt 15.937 tỷ đồng) và 33% (2.906 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng PV GAS ghi nhận doanh thu 48.625 tỷ đồng (giảm 16%) và lãi ròng 6.129 tỷ đồng (giảm 31%).
Đáng chú ý, doanh thu tài chính từ tiền gửi NH dù sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn là khoản thu nhập chính của PV GAS với 1.162 tỷ đồng trong 3 quý vừa qua.
Doanh thu tài chính chủ yếu là tiền gởi tiết kiệm, cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu cho Tổng CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã CK: VEA). Tại thời điểm 30-9, VEAM có 17.672 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi NH (tăng 3.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II).
Doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng của VEAM đạt 741 tỷ đồng (tăng 18,9% so với cùng kỳ). Nguồn thu từ tiền gởi NH đã phần nào giúp bù đắp phần sụt giảm từ các công ty liên doanh/liên kết của VEAM.
Theo BCTC, lợi nhuận từ công ty liên doanh/liên kết giảm đến 33,5%, đã kéo theo sự sụt giảm về lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.668 tỷ đồng (giảm 20,4%), lợi nhuận sau thuế đạt 3.853 tỷ đồng (giảm 25%) và mới hoàn thành 57% kế hoạch cả năm 2020.
Tiền mặt chưa hẳn là “vua”
Tiền mặt chưa hẳn là “vua”
Với DN có nhiều tiền mặt, NĐT nên phân tích yếu tố dòng tiền tương lai, chu kỳ kinh doanh, kế hoạch chi tiêu vốn, nghĩa vụ phải trả khẩn cấp và các nhu cầu cần tiền mặt để chi trả khác khi tính toán DN thật sự cần lượng tiền mặt là bao nhiêu. |
Thậm chí còn tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho DN tìm kiếm các cơ hội đầu tư ngay trong khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh “tiền mặt là vua” như hiện nay, những DN thừa tiền luôn nhận được sự quan tâm của NĐT trên TTCK.
Tuy nhiên, việc DN sở hữu nhiều tiền mặt chưa hẳn là tín hiệu tốt nếu nguồn vốn đó không được đưa vào sản xuất. Theo các chuyên gia tài chính, DN chỉ nên giữ lại mức tiền mặt thích hợp, đủ để thanh toán lãi vay, các chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoặc để xử lý những tình huống khẩn cấp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, quyết định mang tiền gửi tiết kiệm là bước đi đúng. Song về lâu dài sẽ khiến DN đánh mất chi phí cơ hội - được hiểu là sự khác nhau giữa lãi suất có được khi nắm giữ tiền mặt (tiền gửi không kỳ hạn ở NH cũng được xem như là tiền mặt) và cái giá phải trả để có tiền mặt.
Trong khi đó, khi DN đầu tư vào dự án mới hoặc mở rộng sản xuất, có khả năng tạo ra tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần 20%, thì chi phí cơ hội của việc nắm giữ nhiều tiền mặt là yếu tố rất quan trọng. Nguyên nhân do lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thường rất thấp.
Trong trường hợp tỷ suất sinh lợi của dự án thấp hơn mức chi phí sử dụng vốn trung bình, tiền mặt không nên giữ lại tại DN mà nên phân phối chúng lại cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức hay mua cổ phiếu (CP) quỹ để tăng tính thanh khoản và giá trị của CP. Trong tương lai, nếu DN tìm thấy các cơ hội đầu tư mới, có thể bán ra số CP quỹ này hoặc phát hành CP để huy động lượng vốn cần thiết.
Trên thực tế, DN sở hữu lượng tiền mặt quá lớn cũng là yếu tố nảy sinh tiêu cực của cán bộ quản lý. Đơn cử trường hợp của VEAM với hàng loạt tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đầu tháng 3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can với ông Vũ Quang Tâm, thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc. Trước đó, dưới thời các ông Nguyễn Thanh Giang Tổng giám đốc từ 2010-2011), Lâm Chí Quang (Chủ tịch HĐQT 2004-2011) và Trần Ngọc Hà (Chủ tịch HĐQT 2011-2014), DN này đã có hàng loạt phi vụ “ném tiền qua cửa sổ”, như cho vay với lãi suất thấp cho các công ty thành viên đang thua lỗ vay tiền, nợ đọng kéo dài. Được biết, 2 ông này đều bị khởi tố và bắt giam trong năm 2019.