Doanh nghiệp TP.HCM dành 20.000 tỷ đồng bình ổn thị trường Tết

(ĐTTCO)-Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ hai tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 5/1, tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ hai tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng; trong đó 4.200 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.

Với lượng hàng và nguồn vốn như trên, doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao.

Nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22-54,5% nhu cầu như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn...

Về các chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết của các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hệ thống Saigon Co.op đã triển khai Chương trình “Khai Tết xanh - Gieo lộc Lành,” tổ chức “Chuyến xe hạnh phúc” đưa người lao động về quê đón Tết, chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết; đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây...

Các doanh nghiệp chuẩn bị lượng lớn mặt hàng thịt heo, trứng gia cầm, thịt gà... (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết, chung tay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng giá trị lượng hàng hóa lương thực thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩn thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến: dầu ăn, đường... các mặt hàng thực phẩm ngọt như bánh kẹo, trà, càphê, bia, nước giải khát...; thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy - Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.

Các hệ thống khác như Go/Top Market; Bách Hóa Xanh; MM Mega Market; Emart; Satra; Wincommerce; Gigamall; FPT, Nguyễn Kim... cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại Tết, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay trong thời gian tới, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trước diễn biến lãi suất có xu hướng tăng, để hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất ưu đãi... cho doanh nghiệp thực hiện hiệu quả "Chương trình bình ổn thị trường," Sở Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nắm bắt khó khăn từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, xử lý triệt để, đảm bảo nguồn vốn, hạn mức tín dụng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất tạo nguồn hàng bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng Tết Nguyên đán tới đây.

Nhận xét về hoạt động cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết từ cuối tuần qua, sức mua của hệ thống đã tăng gấp đôi so với ngày thường, có những nơi tăng gấp 3 trở lên.

Khách hàng chủ yếu lựa chọn những sản phẩm Tết như thịt lợn, thịt gà, gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô, chocolate... và các mặt hàng tẩy rửa, trang trí nhà cửa; trong đó, Saigon Co.op tăng lượng thực phẩm tươi sống gấp đôi lượng thông thường của hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile... phục vụ tốt mùa mua sắm cao điểm tết.

Các mặt hàng bình ổn giá, các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tùy ngành hàng cũng được tăng dự trữ từ 10-50% so với ngày thường, tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tiến hành giảm giá khuyến mãi liên tục hàng ngày từ nay đến Tết Nguyên đán.

Bên cạnh chương trình khuyến mãi, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op còn tăng giờ mở cửa phục vụ Tết, cụ thể từ ngày 14-16/1 (tức 23-25 Tết) phục vụ khách hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Từ ngày 17-20/1 (tức 26-28 Tết), phục vụ từ 6 giờ sáng đến 22 giờ.

Ngày 21/1 (tức 30 Tết) sẽ phục vụ từ 6-12 giờ trưa.

Ngoài ra, vào mùng 1 Tết, hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op tạm dừng phục vụ.

Từ mùng 2-5 Tết, phục vụ trong buổi sáng, mùng 6 Tết hoạt động bình thường.

Các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tại các tỉnh thành sẽ linh hoạt theo điều kiện thực tế từng địa phương.

Các tin khác