Gồng mình chống chọi
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên các sản phẩm cà phê nhãn hiệu Meet More), cho biết từ đầu năm đến nay giá nguyên vật liệu cũng như các chi phí đầu vào khác luôn trong xu thế tăng. Tính trung bình đến thời điểm này, chi phí đầu vào của công ty đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ tăng giá bán, nhiều đơn vị cung cấp nguyên vật liệu còn bán hàng cầm chừng do những lo ngại về nhiều biến động bất thường, nên DN sản xuất dù có tiền muốn mua trữ thêm nguyên vật liệu trước cũng không đơn giản.
Giá đầu vào liên tục tăng mạnh nhưng giá bán sản phẩm thời điểm này không thể tăng. Theo ông Luận, sức mua ở thị trường trong nước hiện quá yếu, công ty chủ yếu giữ thị trường để không đứt quãng chuỗi cung ứng. Phần còn lại phải đẩy mạnh xuất khẩu để nuôi thị trường trong nước ở giai đoạn khó khăn này.
Mảng xuất khẩu tuy chưa thể tăng giá bán ngay, nhưng cho đến nay sức tiêu thụ vẫn khá tốt, khách hàng cũng đồng ý với những thỏa thuận tăng giá bán từng bước, nên DN vẫn có lợi nhuận dù không bằng những năm trước.
“Kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN hiện bị ảnh hưởng rất lớn bởi chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Phần lớn DN chỉ đưa ra những kế hoạch ngắn để kịp xoay chuyển. Hy vọng tới cuối năm nay tình hình sẽ ổn định hơn” - ông Luận cho biết.
Nói về sức mua, để kích thích người tiêu dùng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế. Theo đó, từ ngày 1-2 một số mặt hàng sẽ được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%. Thế nhưng mức giảm 2% không còn ý nghĩa do giá xăng tăng liên tiếp.
Theo đánh giá của nhiều DN, giảm 2% thuế VAT chỉ có tác dụng lớn về mặt tinh thần. Bởi thực tế mức 2% là quá ít, người mua hiện không quá quan tâm, trước mỗi quyết định chọn mua, họ chỉ quan tâm xem sản phẩm có khuyến mại giảm giá, quà tặng hay không.
Cũng trong tình thế gồng mình với chi phí đầu vào, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT CTCP Ba Huân, cho biết hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang diễn ra bình thường, nhưng DN đang phải nỗ lực tiết giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất do giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng quá cao.
Theo tính toán của bà Huân, tổng mức tăng giá thức ăn chăn nuôi hiện đã lên tới 30%, điều này tác động rất nhiều đến giá thành. Tuy nhiên do tham gia chương trình bình ổn giá và cũng mới có đợt điều chỉnh giá mới, nên dù chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng Ba Huân cũng không thể tiếp tục tăng giá sản phẩm. Thêm nữa sức mua hiện nay của người tiêu dùng cũng thấp, nên tăng giá luôn là bài toán “cân não” của nhiều DN.
Gánh nặng chi phí đầu vào của DN càng thêm áp lực khi chiều 11-5 giá xăng lại tiếp tục tăng. Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng giá này giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới tiến gần mốc 30.000 đồng/lít.
Xăng tăng sẽ không chỉ đẩy chi phí vận chuyển, logistics tăng mà còn khiến nhiều loại nguyên vật liệu khác cũng theo đà tăng giá mạnh. DN tiếp tục rơi vào vòng xoáy chưa thấy lối thoát, chi phí tăng nhưng giá bán không thể tăng.
Ngán ngại chuyện lãi suất
Ngán ngại chuyện lãi suất
Chi phí đầu vào liên tục tăng trong khi giá bán phải cầm chừng, lại thêm việc lãi vay có thể tăng trong thời gian tới làm DN khó càng thêm khó. Theo bảng lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới công bố được ngân hàng áp dụng từ tháng 5, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng mạnh lãi suất huy động.
“Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi vay của DN, những kế hoạch phục hồi sau dịch, đầu tư mở rộng sản xuất có lẽ chưa thể thực hiện trong giai đoạn này vì áp lực chi phí quá lớn” - ông Nguyễn Ngọc Luận nói và cho rằng các DN, đặc biệt là DNNVV không quá kỳ vọng vào chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong bối cảnh lãi vay đang trong xu hướng tăng, chưa kể DN nhỏ thường khó đáp ứng được các yêu cầu để được hưởng ưu đãi.
Hiện NHNN đang thực hiện gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay 3-4%/năm đối với các DN bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho DN lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm: DNNVV, DN tham gia một số các dự án trọng điểm quốc gia và kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải…). Các chuyên gia phân tích kỳ vọng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022.
Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với DN và nền kinh tế có thể thấp hơn, nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Khó khăn ở thị trường trong nước với nhiều DN đã khá rõ ràng, còn ở mảng xuất khẩu, với một số ngành hàng xuất khẩu những tháng đầu năm đã mang về kết quả khả quan so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trước nhiều biến động, đặc biệt là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tình hình có vẻ không quá khả quan cho những tháng tiếp theo.
Theo báo cáo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, việc Fed và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát làm chi phí vay của DN và người dân tăng lên, khiến DN, người dân cân nhắc đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay nhiều hơn, làm nhu cầu hàng hóa - dịch vụ giảm; từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao, và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Chi phí đầu vào liên tục tăng trong khi giá bán phải cầm chừng, lại thêm việc lãi vay có thể tăng trong thời gian tới, làm DN khó càng thêm khó. |