Dưới sự tác động mạnh mẽ bởi COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích ứng để tồn tại. Tới nay, nhịp độ sản xuất của họ đã dần tăng tốc trở lại, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Chủ động ứng phó
Tại Tổng Công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám chia sẻ, gần 2 năm qua dịch lúc bùng phát diện hẹp, lúc diện rộng đã đẩy doanh nghiệp vào trạng thái “đóng-mở.” Với May 10 tại Hà Nội và các chi nhánh cũng không ngoại lệ.
Do đó, chiến lược của May 10 từ năm 2020 là chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu đi những nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
“May mặc, thời trang là mặt hàng đặc thù theo mùa vụ. Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, kể từ khi có dịch thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày,” ông Việt nói.
Không những vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh khi dịch bệnh tại nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp dệt may phải chịu tác động hết sức tiêu cực.
Theo đó, việc bị hủy hợp đồng, mất khách hàng, mất lao động, cạn kiệt nguồn lực tài chính… là câu chuyện đã và đang diễn ra ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, mạnh.
“Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Hội đồng quản trị, sự linh hoạt trong điều hành và bám sát thị trường của lãnh đạo các đơn vị nên đến thời điểm này, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Chia sẻ kinh nghiệm để vững vàng vượt qua đại dịch, bà Nguyễn Thị Thúy Điệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại An Phước cho biết nhân sự luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất.
“Dù ở trong giai đoạn giãn cách hay bình thường mới, An Phước luôn đảm bảo đời sống để giữ chân người lao động và sẽ cải thiện hơn trong những tháng cuối năm,” bà Điệp nói.
Để giữ mạch sản xuất, An Phước đang phát triển thêm kênh bán hàng online… Do đó, về cơ bản, những dự án vẫn tiếp tục triển khai một cách rất hiệu quả, khi nới lỏng doanh nghiệp bố trí cán bộ, nhân viên làm việc vẫn so le và đảm bảo 5K với tâm thế khẩn trương để tiếp tục hoàn thành các dự án trong năm nay.
Tại PV GAS, đơn vị nghiêm ngặt đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng trực "3 tại chỗ" đặc biệt là tại Zone 0 (Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam) luôn tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cách ly, các cán bộ và nhân viên “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ đầu tháng 6/2021 để bảo vệ khu vực điều hành trọng yếu cho toàn bộ hệ thống khí quốc gia.
Doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều phương án sẵn sàng thích ứng, rà soát thủ tục và xin các giấy phép cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng như ứng cứu khẩn cấp, phối hợp phòng chống dịch.
Đến nay, PV GAS đang “phủ sóng” việc tiêm vaccine phòng chống COVID-19 cho người lao động. Cùng với đó, chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, sớm áp dụng chế độ làm việc cách ly “Zone 0” tại các công trình, dự án khí.
“Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, PV GAS tự tin có thể đảm bảo cán bộ trong các tuyến hoạt động cũng như lực lượng dự phòng đảm bảo sản xuất-kinh doanh liên tục,” đại diện PVGAS nói.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trên thực tế, doanh nghiệp tuy đã chủ động ứng phó nhưng nhìn trên tổng thể thì tình hình sản xuất-kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian tới, nhằm đảm bảo “mục tiêu kép,” Sở Công Thương tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, báo cáo thành phố hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp các vấn đề đang vướng mắc về vốn, thị trường, giảm lượng hàng tồn kho.
Sở Công Thương Hà Nội cũng tham mưu thành phố tiếp tục triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch cho phép; giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là doanh nghiệp sản phẩm làng nghề, kích cầu tiêu dùng, phối hợp với ngành du lịch triển khai các triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch cho phép hoạt động sau này.
Tại buổi họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay toàn ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Đơn vị này cũng sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022...