Áp lực chi phí đầu vào quá lớn
Cuối tháng 6 vừa qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Như vậy đây là đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước thứ 2 liên tiếp từ đầu tháng 6 đến nay. Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, tại kỳ điều hành lần này, nếu không chi Quỹ bình ổn giá (BOG), giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 495 đồng/lít - 2.212 đồng/lít. Dù liên Bộ Công Thương - Tài chính cho hay, Quỹ BOG đã được chi ở mức khá cao, nhưng xăng dầu là vốn đầu vào của tất cả hoạt động kinh tế, nên giá xăng dầu tăng sẽ thúc đẩy giá thành sản phẩm tăng theo.
Theo một báo cáo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện chi phí logistics chiếm trên 20% trong GDP của Việt Nam, cao gấp 3 lần so với các nước phát triển, trong đó chi phí vận tải ô tô chiếm 60%. Lực lượng vận tải ô tô ở Việt Nam có hàng ngàn DN, hợp tác xã và hàng vạn hộ kinh doanh với số lượng phương tiện trên 800.000 xe, hơn 1,2 triệu lao động. Điều này cũng hàm ý, sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào sự phục hồi của ngành kinh doanh vận tải, vốn được xem là “huyết mạch” của hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của ngành vận tải từ đầu năm đến nay lại nhuốm một màu xám. Trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đưa ra thống kê hết sức ảm đạm về tình hình kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm của thành viên hiệp hội. Cụ thể, tổng hợp chung cả 5 loại hình hoạt động vận chuyển hành khách, sản lượng chỉ đạt 20-30% so với trước giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong đó vấn đề chi phí cho xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn có chiều hướng tăng theo giá nhiên liệu. Xe taxi có từ 70-80% phương tiện bỏ không vì thiếu khách, dịch vụ chở khách du lịch chỉ đạt 10-15% sản lượng, xe buýt giảm sâu tới 41,5% lượng khách, tương ứng giảm 51,2% doanh thu, xe khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% sản lượng, 50% phương tiện nằm bãi.
Đơn cử như đối với loại hình vận tải xe khách tuyến cố định, theo tính toán của DN, trong 15 - 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải thì xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30 - 35%. Để hòa vốn phải đạt từ 60% hệ số ghế trở lên. Thí dụ xe 40 ghế, phải chở được 24 khách mới đạt. Nhưng thực tế dù chỉ có từ 10 - 15 khách, hay ít hơn nữa xe vẫn phải chạy, vẫn phải đốt nhiên liệu. Chi phí này khiến cho DN buộc phải chịu lỗ.
Không chỉ xăng dầu tăng giá, hiện các DN vận tải vẫn phải gánh nhiều chi phí đầu vào khác như chi phí chống dịch, chi phí lắp camera giám sát, chi phí đổi biển số, chi phí BOT tăng… Trong số các chi phí này thì chi phí lắp camera trên xe khiến nhiều DN đau đầu nhất vì chi phí lắp đặt khá cao, nếu không lắp thì từ ngày 1-7 sẽ bị phạt 5-6 triệu đồng (cá nhân) và phạt từ 10-12 triệu đồng (đối với tổ chức). Theo tính toán của đại diện VATA, chi phí lắp đặt camera khoảng 10 triệu đồng/xe, DN có 100 xe chi phí đã lên đến cả tỷ đồng. Ngoài ra, hàng tháng DN phải mất từ 100.000-200.000 đồng/xe để trả phí 4G cho việc duy trì đường truyền, đây là gánh nặng không nhỏ cho DN.
Chính sách hỗ trợ vẫn chưa đến được DN
Trao đổi với ĐTTC, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát, hành khách ngày một ít và càng chạy càng lỗ nhưng các DN vận tải khách vẫn cố gắng bám trụ, duy trì tuyến là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là các DN vận tải có thể tiếp tục cầm cự được lâu hơn nữa. Nên cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để cứu DN vận tải không bị phá sản hay chết lâm sàng.
Theo ông Liên, hiện nay các DN vận tải đang gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ do điều kiện, thủ tục đặt ra quá phức tạp và khó đáp ứng được. Cụ thể, DN vận tải nào muốn được hỗ trợ sẽ phải có rất nhiều loại giấy tờ như giấy tờ chứng minh DN đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc... Với những điều kiện này, phần lớn DN vận tải sẽ không thể đáp ứng, vì thực tế nhiều DN vẫn đang phải duy trì hoạt động cầm chừng để giữ tuyến, giữ chân người lao động.
Hiện nay, nhiều DN vận tải cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần có sự can thiệp vào việc điều chỉnh giá xăng dầu, cụ thể nên sử dụng Quỹ BOG để điều chỉnh trong trường hợp có biến động lớn.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết giá dầu thế giới tăng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN trong nước. Các DN, đặc biệt là DN vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Việc sử dụng Quỹ BOG cũng nên được tính đến. Tuy nhiên, để linh hoạt trong quá trình điều hành giá, nên đưa ra phương án giảm biên độ số ngày tính giá trung bình (hiện nay biên độ tính là 15 ngày/lần) xuống còn 1 tuần/lần, như vậy cơ quan quản lý Nhà nước sẽ bám sát được với biến động của quốc tế và chủ động hơn trong việc xác định giá xăng dầu.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cho rằng, với đà tăng liên tục thì Quỹ BOG hạn hẹp cũng khó đủ sức kiềm chế đà tăng giá xăng dầu. Do vậy, trước mắt về phía các DN sản xuất phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa các mức chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, DN cũng phải đa dạng hóa nhiên liệu để không bị phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.