Doanh nghiệp vật liệu xây dựng ‘oằn mình’ tìm lối ra

(ĐTTCO) - “Đầu năm bão giá” và “cuối năm ảm đạm” cũng là hai nhóm từ khóa thể hiện khó khăn lớn nhất của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong năm 2022 và vắt sang những tháng đầu năm nay, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện mới đây.

Hai trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp phải đương đầu hiện nay là biến động giá nguyên vật liệu và tác động của suy thoái kinh tế đều ghi nhận mức tăng rõ rệt so với năm trước (+18,2% và +63,9%).

Mức độ ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế được dự báo sẽ lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong khoảng 12-18 tháng tới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu VLXD toàn cầu yếu, những rào cản thương mại các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp VLXD Việt Nam vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Thị trường bất động sản trong nước đang tạm thời bị "đóng băng" cùng với những biến động của thị trường thế giới đã khiến ngành VLXD gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Thị trường bất động sản trong nước đang tạm thời bị "đóng băng" cùng với những biến động của thị trường thế giới đã khiến ngành VLXD gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa

So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép hai tháng đầu năm 2023 đạt 92,2% trong khi clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%.

Trong nước, ngành bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành VLXD. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Từ đầu năm tới nay, giá VLXD trong nước liên tục tăng lên: giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu, xi măng, cát… cũng không ngừng tăng lên.

Mức độ ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp VLXD trong năm 2023 đạt 4,7 điểm trên thang điểm 5 – tức mức ảnh hưởng rất nhiều, giảm nhẹ so với mức 4,8 điểm của năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 4,1 điểm của năm 2020 hay 3,8 điểm của năm 2021 (năm mà phần lớn các hoạt động kinh doanh đều bị “đóng băng” do tác động của đại dịch Covid-19).

Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp.

Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành VLXD trong năm 2023 so với năm 2022, đa số các doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Cụ thể, trên thang điểm 5, lĩnh vực xi măng đạt 2,8 điểm trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,9 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3,0 điểm.

Các tin khác