Theo một nghiên cứu về chuyển đổi số vừa được DBS công bố chiều 15/5, các công ty ở Việt Nam (68%) xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%) trong việc áp dụng cách tiếp cận chiến lược, nhất quán hoặc triệt để để số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng.
Nghiên cứu được thực hiện bởi FT Longitude, bộ phận chuyên gia tư duy lãnh đạo của Financial Times Group với 1.225 người tham gia ở 15 ngành và 22 thị trường trên toàn thế giới. Những người được hỏi gồm 50% lãnh đạo cấp cao (C-suite) và 50% là C-1; 50% số người từ lĩnh vực tài chính và ngân quỹ, và 50% từ các chức năng thương mại bao gồm các nhóm bán hàng và chuyển đổi số tập trung vào tương tác với khách hàng. Phần lớn (60%) số người được hỏi đến từ các công ty có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên.
Tại Việt Nam, cuộc khảo sát được hoàn thành bởi 75 công ty có doanh thu hàng năm từ 250 triệu USD đến 20 tỷ USD, hỏi về những khát vọng, thành công và mối quan tâm số của họ. Những người được hỏi chủ yếu là lãnh đạo cấp cao C-suite (64%).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 22 thị trường, Việt Nam nằm trong top 10 và đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore. Các thị trường trong top 10 khác gồm: Australia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc Đại Lục, Singapore, Đài Loan, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp phải đặt mục tiêu rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mang lại sự linh hoạt để nắm bắt các mô hình kinh doanh mới, thích ứng với thay đổi của thị trường.
Phần lớn các công ty Việt Nam (63%) cho rằng chuyển đổi số đang giúp họ đạt được lợi nhuận tổng thể. Tiếp đó là cải thiện hiểu biết sâu sắc về khách hàng (61%) và năng lực cạnh tranh tổng thể trên thị trường (57%). Hơn một nửa (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ và tương tác khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Các phát hiện của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hầu hết các công ty Việt Nam (35%) đều thuộc nhóm các nhà lãnh đạo đang phát triển về mặt số hóa hoạt động tương tác với khách hàng, có tiềm năng lớn về hiệu suất chuyển đổi cao trong tương lai.
Khoảng 12% được phân loại là "nhà lãnh đạo chuyển đổi" luôn vượt trội so với mức trung bình toàn cầu trong việc số hóa mức độ tương tác với khách hàng. Chỉ có 9% doanh nghiệp được phân loại là "người tụt hậu", bị hạn chế bởi nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi.
Tại Việt Nam, 12% số người được hỏi là những nhà lãnh đạo chuyển đổi
Theo nghiên cứu, mục tiêu quan trọng nhất của các công ty đối với chuyển đổi số là tăng hiệu quả (40%) như thông qua tự động hóa. Tiếp theo là cải thiện sự cộng tác giữa các bộ phận chức năng và nhóm (35%). Hơn một nửa (57%) đơn vị được khảo sát đã áp dụng hiệu quả văn hóa hỗ trợ triển khai tầm nhìn chiến lược để thúc đẩy quá trình số hóa thành công.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra, rào cản chính ngăn cản các công ty Việt Nam đạt được tiến bộ nhanh hơn trong chuyển đổi số là khoảng cách về trình độ nhân lực (42%) và những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu (35%).
Các rào cản chuyển đổi số
Nghiên cứu chỉ rõ, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức giáo dục đại học để tăng cường các chương trình phù hợp cho tương lai số khi chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục đại học.
Nghiên cứu cũng nhận thấy vai trò ngày càng tăng của lĩnh vực ngân quỹ và tài chính, cũng như các nhóm thương mại trong việc tạo điều kiện cho sự thay đổi và đổi mới. Trong lĩnh vực ngân quỹ và tài chính, công nghệ đám mây (78%) và phân tích nâng cao (65%) là những công nghệ số và thanh toán quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính (59%) và đầu tư (38%) là những hoạt động cốt lõi được ưu tiên số hóa. Đổi mới sáng tạo (khả năng suy nghĩ khác biệt về quy trình và/hoặc mô hình kinh doanh) (65%) và phân tích dữ liệu (59%) là những kỹ năng được xếp cao nhất, cần thiết nhất để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.
Trong khi đó, các nhóm thương mại chỉ ra rằng cải thiện việc chia sẻ dữ liệu trong toàn tổ chức (53%), xây dựng năng lực số mạnh mẽ hơn trong toàn doanh nghiệp (47%) và xây dựng mối quan hệ với các đối tác bên ngoài (45%), là những ưu tiên chính để cải thiện và tăng cường chuyển đổi số trong toàn tổ chức. Để đạt được các mục tiêu thương mại, bán hàng và tiếp thị (37%) cần được chuyển đổi số một cách cấp thiết nhất.
Phần lớn (61%) doanh nghiệp cho biết việc thiếu sự hợp tác giữa phòng ban thương mại và phòng ban tài chính và ngân quỹ khiến hoạt động chuyển đổi số của công ty trở nên khó khăn hơn mức cần thiết. Khó khăn trong việc truy cập dữ liệu (41%) là thách thức thường xuyên nhất đối với các nhóm làm việc cùng nhau hướng tới chuyển đổi số.
Từ kết quả nghiên cứu các chuyên gia DBS cho rằng Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển và thu nhập cao vào năm 2045, trong đó số hóa là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Khát vọng này của Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của các doanh nghiệp có tư duy tiến bộ.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp này phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số để tận dụng tiềm năng thị trường dài hạn và duy trì tính cạnh tranh. Thúc đẩy chuyển đổi số cũng sẽ mang lại cho các công ty này sự linh hoạt để nắm bắt các mô hình kinh doanh và hoạt động mới, thích ứng với những thay đổi của thị trường, chuyên gia này nói.