Tổng biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh đặt vấn đề: “Chỉ trong vòng 1 năm, chúng ta đã được chứng kiến một bối cảnh thế giới thay đổi hoàn toàn khác. Từ trạng thái tiền rẻ tràn ngập trong lưu thông, nhiều nền kinh tế lớn đã và đang phải oằn mình thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt để đối phó với nguy cơ lạm phát tăng nhanh, khiến dòng tiền trở nên đắt đỏ. Bức tranh thị trường M&A tại Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao? Nếu chỉ thuần túy nhìn vào các dòng tiền đang lưu chuyển sẽ rất dễ dẫn đến câu trả lời đơn giản và kém phần lạc quan. Nhưng thực tế có hẳn là như vậy?”.
Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Đặc biệt, nhu cầu tìm kiếm sức mạnh cộng hưởng và nguồn vốn để tái cấu trúc, tập trung hơn vào các hoạt động cốt lõi đang bộc lộ rõ ở nhiều doanh nghiệp trong nước mà chỉ thông qua hoạt động M&A mới có thể đáp ứng.
Theo thống kê, dù trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam, với giá trị hơn 1,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á. Như vậy, thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới.
Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Về lĩnh vực, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD.
Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Thị trường IPO ở khu vực Đông Nam Á cũng đang được kỳ vọng với tương lai sáng sủa hơn vào năm 2023. Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng chứng minh lợi nhuận sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn toàn cầu.
Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ”.