Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại

(ĐTTCO) - Theo LS. Nguyễn Thanh Hà (ảnh), Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động lớn đến các DN xuất khẩu, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI. 

Nhiều sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ được cảnh báo nguy cơ bị điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Nhiều sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ được cảnh báo nguy cơ bị điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về quyết định Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT, và điều này sẽ tác động như thế nào đến các DN xuất khẩu của Việt Nam?

LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường, quả là một điều đáng tiếc trong bối cảnh nhiều nước trong G7 đã công nhận Việt Nam. Việc chưa được Mỹ công nhận là nền KTTT sẽ có tác động lớn đến các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) tại Mỹ, như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, chống lẩn tránh xuất xứ.

Và nếu khi liên tục bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá, sẽ gây khó khăn cho DN trong việc lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh; tốn chi phí pháp lý; mất thời gian để giải trình với cơ quan chức năng Mỹ; và khi bị áp dụng các biện pháp này, thuế sẽ tăng, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và có nguy cơ bị mất thị trường.

image-20210511103113-1.jpg

Ngoài ra, các DN xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn hơn khi tiếp cận và kinh doanh trên thị trường Mỹ, như quy trình xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Mỹ sẽ lâu hơn, phức tạp hơn và chi phí tuân thủ các quy trình, thủ tục sẽ nhiều hơn so với các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam.

Đặc biệt, quyết định này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI. Bởi các DN FDI không chỉ lo ngại về rủi ro chính sách và các rào cản thương mại khi đầu tư vào Việt Nam, mà còn làm chậm quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với thị trường Mỹ.

- Vậy các DN nên có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo được quyền lợi của mình trong các vụ kiện PVTM tại Mỹ, thưa ông?

- Trước việc Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa xếp Việt Nam là nền KTTT, tôi đồng ý với nhận định của Bộ Công Thương. Đó là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam tiếp tục không được công nhận, mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ 3 để tính toán biên độ bán phá giá.

Theo tôi, để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình trong các vụ kiện PVTM tại Mỹ, các DN Việt Nam cần phải chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề sau.

Thứ nhất, DN cần nâng cao hiểu biết về luật pháp và quy định thương mại quốc tế; trang bị, cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật về PVTM của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung và Mỹ nói riêng. Bao gồm các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hiểu rõ các tiêu chí và quy trình để chuẩn bị tài liệu và bằng chứng phù hợp.

Thứ hai, cần xây dựng mối quan hệ, tham gia, hợp tác các hiệp hội liên quan tại Mỹ để có thêm thông tin, tăng cường trao đổi, sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn khi cần thiết, tránh việc các DN Mỹ khởi kiện. Đồng thời, DN cũng cần tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, cần tăng cường minh bạch tài chính và quản trị của DN. Việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý tài chính minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế để tránh bị cáo buộc về trợ giá hoặc bán phá giá. Do đó, DN cần lưu giữ hồ sơ chi tiết và minh bạch về mọi hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ tư, DN cũng cần xây dựng các kịch bản và kế hoạch để ứng phó với các quyết định PVTM, bao gồm việc tìm kiếm thị trường thay thế, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các DN phải thường xuyên trao đổi với các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện về tình hình, diễn biến xuất khẩu, nguy cơ bị kiện PVTM khi xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan này cũng có thể cung cấp các chứng cứ và số liệu minh bạch, thể hiện rằng hoạt động kinh doanh tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cho DN khi cần thiết. Đặc biệt khi vụ việc xảy ra để có thể xây dựng phương án xử lý kịp thời.

- Theo ông, trong lần hoàn thiện hồ sơ tiếp theo, Việt Nam cần chú ý đến nội dung nào và chúng ta cần có giải pháp cải thiện những vấn đề gì để được Mỹ công nhận là nền KTTT?

- Những lý do được phía Mỹ đưa ra là Việt Nam vẫn sử dụng nhiều biện pháp hành chính, như trần lãi suất, room tín dụng, và kiểm soát giá cả đối với điện, xăng dầu, vàng. Điều này ảnh hưởng đến đánh giá của Mỹ.

Do vậy, để có thể chuẩn bị cho lần tiếp theo, theo ý kiến của tôi, chúng ta cần thực hiện các công việc như sau: cần tập trung vào tạo lập môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu kỹ những điểm phía Mỹ nêu ra, điểm nào chúng ta khắc phục được chúng ta cũng đưa ra lộ trình, điểm nào cần trao đổi thì chúng ta tổ chức các cuộc đàm phán và đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và chứng minh những tiến bộ của Việt Nam.

Những tiến bộ của Việt Nam trong thời gian vừa qua để hướng tới nền KTTT là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện ở những điểm sau: Các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Google, Intel đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, cho thấy chúng ta có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những DN này.

Việt Nam cũng đã đáp ứng nhiều tiêu chí của Mỹ, như khả năng chuyển đổi tiền tệ, thương lượng lương tự do và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải làm sâu sắc thêm những điểm này trong những lần đàm phán và chuẩn bị hồ sơ sắp tới.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác