Doanh nghiệp vừa 'chật vật' trả tiền điện vừa 'lao đao' vì thiếu điện

(ĐTTCO) - Đơn hàng xuất khẩu thiếu, sức mua trong nước giảm, DN phải tìm cách để tiết kiệm chi phí. Trong bối cảnh đó, giá điện lại tăng rồi thiếu điện và bị cắt điện đột ngột, khiến DN đã khó càng thêm khó.
Nhiều DN sản xuất phải điều chỉnh thời gian làm việc theo lịch cắt điện.
Nhiều DN sản xuất phải điều chỉnh thời gian làm việc theo lịch cắt điện.

Thêm cú đấm bồi

Khi được hỏi về tác động của việc giá điện tăng 3% từ ngày 4-5 đến sản xuất, kinh doanh của DN mình, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh ví von như cú đấm bồi lúc DN đang rất khó khăn.

Đồng tình, ông C.T, Tổng giám đốc một DN da giày, chia sẻ trong lúc các DN trong ngành dệt may, da giày đang chật vật tìm kiếm đơn hàng, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí làm lỗ để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời tìm mọi cách tiết giảm chi phí, việc giá điện tăng khiến DN thêm mệt mỏi. Đáng nói, chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán sản phẩm lúc này không thể tăng, DN phải gồng mình giữ giá để giữ chân khách hàng.

Chưa hết, thông tin Tập đoàn Điện lực (EVN) tiếp tục đề xuất tăng giá điện vào tháng 9 tới đang khiến nhiều DN cảm thấy bức bối trước sự độc quyền của ngành điện. Đồng thời, bày tỏ sự không đồng tình với nhận định tăng giá điện sẽ khiến DN sử dụng tiết kiệm hơn nữa. Bởi thực tế để tiết giảm chi phí khâu nào có thể tiết kiệm DN cũng đã thực hiện tối đa.

Theo báo cáo của CTCK Mirae Asset, việc tăng giá bán lẻ điện có thể gây ra ảnh hưởng không tích cực lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy... Ước tính chi phí điện chiếm 9-10% giá vốn hàng hóa với ngành sản xuất thép và hóa chất, chiếm 14-15% trên giá vốn ngành xi măng, chiếm 4-5% ngành giấy. Chi phí điện tăng 3% có thể khiến lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, ngành giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%. Giá điện tăng sẽ làm giá vốn của các DN sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận của DN.

Vậy nhưng, mối lo giá điện tăng chưa hết, DN, nhất là DN khu vực phía Bắc lại phải lo đối phó với việc thiếu điện, cắt điện đột ngột. Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cho biết hiện tình trạng cắt điện không báo trước tại nhiều địa phương phía Bắc đang ảnh hưởng rất lớn đến dây chuyền máy móc, nhất là hệ thống xử lý nước thải ra môi trường. Khi cắt điện đột ngột, hệ thống phải ngừng hoạt động sẽ gây hậu quả khó lường cho DN về lâu dài.

Nói thêm về tình hình của các DN trong ngành, ông Sơn cho biết từ đầu năm đến nay hoạt động xuất khẩu của các DN trong nhiều ngành công nghiệp suy giảm, khiến nhu cầu sử dụng bao bì cũng suy giảm theo. Dự báo khó khăn cho các DN trong ngành sẽ kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí phải tới giữa năm 2024 tình hình mới có thể khả quan hơn.

“Các DN hiện đang phải nỗ lực duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, dòng tiền thu về chỉ đủ trả lãi vay và các chi phí sản xuất khác thậm chí không ít DN chấp nhận sản xuất lỗ”- ông Sơn chia sẻ.

Gỡ vướng mắc điện áp mái

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện chưa nhận được nhiều phản ánh cụ thể của các DN liên quan đến việc tăng giá điện, nhưng chắc chắn đây là điều không DN nào muốn trong tình hình đơn hàng khó khăn như hiện nay. Song có một nội dung đang được một số DN trong ngành kiến nghị, đó là gỡ vướng trong lắp điện áp mái.

Đây là vấn đề đang rất cấp thiết với các DN trong ngành, vì nó không chỉ giảm chi phí mà DN sẽ có thêm “điểm cộng” trong giao thương với đối tác khi sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này đã được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP trình bày rõ tại hội nghị năng lượng xanh cho DN diễn ra hồi giữa tháng 5 vừa qua.

Cụ thể, với ngành hàng thủy sản, hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Vấn đề quan trọng nhất của các nhà máy là cấp đông, đưa nhiệt độ xuống -40 độ để bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành trữ đông (kho lạnh), với hầu hết kho lạnh đều sử dụng điện 380V, nên nhu cầu năng lượng rất lớn.

Trong khi đó, ngành thủy sản phải thực hiện các cam kết với khách hàng về tiêu dùng xanh, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Song DN vẫn gặp khó khi lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Vướng mắc này ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho DN.

Phía VASEP đề xuất các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương hỗ trợ về cơ chế để DN nhanh chóng đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái, được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Mặt khác, Chính phủ sớm ban hành chính sách mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái, giúp các DN thuận lợi hơn trong lắp đặt đầu tư.

Trở lại với câu chuyện thiếu điện, cắt điện đột ngột, không chỉ ảnh hưởng đến các DN sản xuất mà nhiều ngành như dịch vụ, du lịch cũng “lo đứng lo ngồi”. Chị Thu Trang, nhân viên điều hành tour của một công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết việc mất điện, nhất là mất điện đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch vì đây đang là mùa cao điểm.

Các đơn vị khách sạn, nhà hàng sẽ phải chạy máy phát điện làm đội thêm chi phí. Nhưng không phải tất cả khách sạn, nhà hàng đều trang bị máy phát điện, điều này sẽ khiến du khách có những trải nghiệm không tốt. Chưa hết, để tiết kiệm điện nhiều điểm du lịch phải tắt bớt điện chiếu sáng cũng phần nào ảnh hưởng đến quyết định du lịch của du khách.

Những lo lắng của các DN, ngành nghề khu vực phía Bắc vẫn còn kéo dài khi kế hoạch cắt giảm điện chưa dừng lại. Tại buổi họp trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7-6, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết khu vực phía Bắc cung ứng khả dụng của hệ thống là 17.000 MW, nhưng ở thời điểm nắng nóng, nhu cầu phụ tải - tiêu thụ điện lên tới 20.000 MW. Vì vậy, ngành điện phải cắt giảm công suất sử dụng, giảm nhu cầu sử dụng điện lên tới 30% ở những thời điểm nắng nóng nhất. Còn thông thường, sản lượng điện cắt giảm trung bình phía Bắc mỗi ngày từ 6-10%, tùy thuộc tình hình thời tiết.

Trước tình trạng mất điện xảy ra nhiều nơi tại miền Bắc, Thủ tướng vừa ký công điện yêu cầu Bộ Công Thương, EVN cùng nhiều đơn vị liên quan vào cuộc khắc phục. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu lập ngay đoàn thanh tra quản lý, cung ứng điện của EVN.

Các tin khác