Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cơ quan này vừa công bố kết quả khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng và ghi nhận những nhận định khá lạc quan về triển vọng chung của ngành này trong năm 2024.
Kết quả khảo sát cho biết 52,6% doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực; 36,9% số doanh nghiệp dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện mà gần như giữ nguyên trạng thái trong năm 2023 và 10,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.
Nhìn chung, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra chóng vánh và chưa thể khẳng định thị trường xây dựng sẽ đạt được các kết quả rực rỡ, tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng, năm 2024 có thể là "viên gạch đầu tiên" xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới.
Phân tích về những ngoại lực là các chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng phục hồi, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay nền kinh tế đang dần có những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 6%-6,5%.
Khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay nhẹ bớt có thể giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận tốt.(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng rằng giai đoạn tới sẽ đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường bất động sản bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận sự chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, niềm tin thị trường được vưc dậy, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng.
Thêm vào đó, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể. Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó, khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt.
Tình hình đầu tư công cũng sẽ tiếp tục là trụ cột và động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và cả trong trung và dài hạn.
Trong những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy không ngừng. Năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm cao điểm giải ngân và được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Thi công phần đường dẫn lên Cầu Bến Rừng phía Hải Phòng. Cầu có tổng mức đầu tư là hơn 1.940 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 5/2024. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024 (được Quốc hội thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn đầu tư công năm nay với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%; trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng.
Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước tiên thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nhà thầu hạ tầng. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn với các hợp đồng thi công dự án lớn trong giai đoạn này.
Với giá trị backlog lớn, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì nguồn việc cũng như doanh thu lớn cho các năm tiếp theo.
Ngoài ra, thị trường xây dựng trong nước cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam.
Bất chấp những bất định của nền kinh tế toàn cầu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 vẫn giữ vững ở mức hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 đã tạo tiền đề thuận lợi cho triển vọng tích cực hơn nữa vào năm 2024 khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất được củng cố, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua, mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho xây dựng công nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cũng kỳ vọng sức mạnh nội tại của bản thân đã được tích lũy, xây dựng và củng cố trong thời gian qua sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp tin tưởng rằng với năng lực quản lý tài chính hiệu quả, rà soát, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí, cùng với uy tín, thương hiệu đã được xây dựng trên thị trường và việc ưng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, cộng với sẵn có đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao và hoạt động kinh doanh đa dạng là cơ sở vững chắc cho đà bứt phá của bản thân doanh nghiệp trong năm nay.