Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đều tăng so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng vì để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm và đây sẽ là cơ hội cho các DN.
Song theo các DN xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường kể trên đang khó có thể duy trì được. Nguyên nhân là theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực, đang có một vấn đề. Đó là kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong Nghị định 37 là 0,5m (tương đương trọng lượng từ 5-7kg). Tuy nhiên sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp.
Theo đó, khi Nghị định 37 có hiệu lực, tất cả các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này. Và điều này sẽ khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa là DN không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.
VASEP cho biết hiện tại, xuất khẩu vẫn tăng là do lượng cá ngừ vằn nguyên liệu dự trữ tại các DN đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn, tuy nhiên lượng nguyên liệu dự trữ này cũng đang cạn dần. DN sẽ phải gia tăng NK từ nguồn cung ngoài nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm thường là thời gian DN phải tăng cường sản xuất cho các đơn hàng XK sang các thị trường lớn như EU, để được hưởng ưu đãi thuế quan khi hạn ngạch được mở lại vào đầu năm sau.
Bên cạnh đó, quy định về bảo tồn của Liên minh châu Âu (EU) không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ áp dụng với một số loài nhạy cảm. Kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.
Trên thực tế, EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển chứ không chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu được khai thác. Các tàu cá của nước ngoài vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác.
Phía VASEP đánh giá nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho DN, thì chúng ta sẽ bị mất thị trường xuất khẩu.
Theo các thoả thuận trong các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và một số nước, các sản phẩm cá ngừ có xuất xứ thuần tuý, tức là cá ngừ được đánh bắt bởi các tàu Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Do đó, nguồn cung cá ngừ nguyên liệu trong nước giảm sẽ khiến DN không thể tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định này.