Khách chọn mua vật dụng làm bằng lục bình tại hội chợ |
Hàng nội, chất lượng ngoại
Tay mân mê đôi sandal thổ cẩm xỏ ngón xinh xắn thương hiệu TrifonOne, chị Nguyễn Lê Minh (ngụ tại đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: “Tôi từng đi du lịch Malaysia và thấy sản phẩm này bán khá nhiều nhưng không biết là doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thấy giá 100.000-200.000 đồng/đôi, hợp túi tiền nên tôi mua cùng lúc 3 đôi”.
Cách TrifonOne không xa, các sản phẩm giày thương hiệu GioliBello cũng khá đông khách. Hơn 15 giờ chiều 28-5, vợ chồng bà Lê Thị Mây (69 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) vẫn lựa chọn, trả giá từng đôi giày. “Đi thử thấy êm chân lắm, giá mềm, để đi siêu thị hoặc đi bộ đều phù hợp. Tôi mua cùng lúc 5 đôi, với giá 300.000-400.000 đồng/đôi”, bà Mây cho hay.
Gần đó, gian hàng chuyên đồ bảo hộ xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc)… của Viking VietNam, địa chỉ tại Hóc Môn, cũng được nhiều khách hàng quan tâm.
Với gian hàng của Công ty TNHH Mỹ nghệ MP (MP Crafts Company Limited) có trụ sở tại Ninh Bình, lượng khách đến tìm hiểu về các sản phẩm làm từ lục bình khá đông. Anh Ninh Văn Lam, ngụ tại quận 7, TPHCM, chia sẻ, chiều thứ bảy cùng gia đình ghé mua hàng nhưng “chưa đã”, nên chiều 28-5 quay lại mua tiếp. Các dụng cụ dùng để trang trí hoặc chứa đồ lặt vặt, làm hộp đựng sách, đựng bút… đều phù hợp. Có món khá rẻ, chỉ 10.000-30.000 đồng.
Chuyển hướng đón khách nội
Một số doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu đã thông tin về việc thiếu hụt các đơn hàng nước ngoài (khoảng 30%-60%) so với trước dịch Covid-19. Do đó, họ phải tính toán lại việc sản xuất - kinh doanh, phân bổ nguồn lực, đẩy mạnh quảng bá… ở thị trường nội địa.
Viking VietNam cho biết, doanh nghiệp sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm cung ứng cho thị trường quốc tế, nhưng nay các đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Phạm Hoàng Kha, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH giày Triệu Phong (tên tiếng Anh là TrifonOne), cũng cho biết doanh nghiệp đang chuyển hướng khai thác thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, thông qua việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, TikTok…).
Tương tự, ông Thành Bắc Lý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Thành Nhân (GioliBello), chia sẻ, thương hiệu giày gia đình ông phục vụ song song cả thị trường nội địa và xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản... “Mới đây, đối tác Nhật Bản chuyên kinh doanh hàng phổ thông bán tại các siêu thị yêu cầu chúng tôi làm sản phẩm chất lượng, nhưng giá cạnh tranh, kiểu vừa đẹp, vừa rẻ. Ví dụ, dòng bình dân trước đây có giá khoảng 20 USD/đôi bán khá chạy, nhưng nay khách cần sản phẩm 15-20 USD/đôi…”, ông Thành Bắc Lý nói.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, doanh nghiệp xuất khẩu tìm hướng phục vụ thị trường trong nước, giúp người tiêu dùng Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận hàng nội địa chất lượng là tốt. Tuy vậy, đây là bước đi không dễ dàng, bởi sự cạnh tranh gay gắt của những doanh nghiệp nội địa cùng loại hoặc các mặt hàng ngoại nhập khác…
Do vậy, ngoài sự nỗ lực, năng động của doanh nghiệp, cần có các chính sách ưu tiên về mặt bằng kinh doanh, thủ tục pháp lý, vay vốn với lãi suất ưu đãi… để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ khách hàng trong nước.