'Hụt hơi' thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp kỳ vọng hồi phục trên sân nhà

(ĐTTCO) - Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc vào 3 động lực là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng, nhưng cả 3 động lực trên đều có dấu hiệu “hụt hơi”.
Giảm Thuế VAT là giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng.
Giảm Thuế VAT là giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng.

Trong đó 2 lĩnh vực là đầu tư công và xuất khẩu có sự sụt giảm nhiều nhất. Giữa bối cảnh đó, kích cầu tiêu dùng nội địa càng trở nên quan trọng.

Kích hoạt sản xuất bằng thị trường nội địa

Việc các doanh nghiệp quay lại khai thác, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế là tất yếu, khi đầu tư và xuất khẩu suy giảm. Khu vực dịch vụ, trong đó có bán buôn bán lẻ, vẫn có mức tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ, cho thấy động lực này vẫn còn có thể tận dụng tốt. Chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm.

Sở dĩ phải quay thị trường nội địa, bởi Việt Nam là thị trường có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Quay lại thị trường nội địa là đúng, đây là “mỏ vàng tiêu thụ” các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Thêm vào đó, những dự báo gần đây cũng cho thấy, thu nhập của người dân năm nay sẽ tiếp tục tăng, nhờ tăng lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và tăng lương cơ sở của khu vực nhà nước. Tuy nhiên, do khối lượng tiền đổ vào lưu thông nhờ tăng lương chỉ có hạn, nên muốn tăng được thị trường nội địa phải thực hiện giải pháp tiền tệ, cụ thể là lãi suất.

Hiện tại, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm, nhưng chưa nhiều, chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm vẫn còn rất hấp dẫn nên người dân sẵn sàng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi, thay vì đưa tiền ra kinh doanh hoặc tiêu dùng.

Khi NHNN giảm lãi suất, sẽ tạo động lực để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cả huy động và cho vay, như vậy tiêu dùng nội địa sẽ tăng, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh. Với thị trường gần 100 triệu dân, sức mua rất lớn, cần phát triển thị trường nội địa, thay vì chủ yếu tập trung vào xuất khẩu.

Sức mua của thị trường nội địa vẫn có dư địa tăng trưởng, các trung tâm kinh tế lớn của các đô thị lớn của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy GDP của cả nước. Vì vậy cần đảm bảo thị trường thông thoáng, môi trường kinh doanh ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp phù hợp vì khi đẩy mạnh đầu ra, tăng doanh thu, doanh nghiệp mới có thể phát triển. Mặt khác, đây là lúc các cơ quan chức năng cần giảm bớt những thủ tục rườm rà, chi phí bất hợp lý, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cuối cùng, phải có cách tăng thu nhập cho người lao động. Bởi hiện nay kích cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào bán lẻ là chính.

Giảm thuế VAT, kích cầu du lịch nội địa

Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tiên để có thể kích cầu là phải miễn giảm thuế. Đây cũng là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mại, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, doanh nghiệp bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ hoặc xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Vừa qua, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm Thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với toàn bộ mặt hàng, dịch vụ là cần thiết và kịp thời, được người tiêu dùng và doanh nghiệp rất mong đợi. Tuy nhiên, chính sách cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết trong tháng 5, nên áp dụng ngay trong tháng 6 thay vì từ tháng 7 như đề xuất của Bộ Tài chính.

Giảm thuế VAT là giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng. Do đó, việc được giảm thuế VAT sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có thể khẳng định chính sách này cũng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về hình thức, việc giảm thuế VAT có thể giảm thu ngân sách, nhưng thực tế ngân sách lại tăng thu nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trở lại. Thực tế năm 2022 đã cho thấy rõ việc giảm 2% thuế VAT đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế mức 8%, số thu ngân sách của ngành thuế đạt trên 124% so với kế hoạch giao.

Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng không chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm nay, mà cần chủ động tính toán phương án giảm thuế thêm trong năm 2024 nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn. Việc kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế có thể cân nhắc phương án thực hiện trong 1 năm, mới có thể mang lại hiệu quả thiết thực là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, nếu tình hình kinh tế vẫn tiếp tục xấu đi.

Bên cạnh giảm thuế, kích cầu du lịch nội địa cũng là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tiêu dùng, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng GDP. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực nên để phục hồi, nên phát triển ngành du lịch sẽ tạo ra sức lan tỏa, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác.

Muốn vậy, giải pháp hiện nay là cần tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Trong đó chú trọng yếu tố liên kết theo vùng, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, quảng bá xúc tiến và đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Điều này càng cần thiết khi du khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay vẫn chưa được như kỳ vọng.

Giảm thuế VAT, kích cầu du lịch nội địa là các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tiêu dùng, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng GDP 2023.

Các tin khác