Sức mua yếu, doanh nghiệp 'gồng mình' chờ... khách

(ĐTTCO) - Tại nhiều cửa hàng, trung tâm siêu thị, người bán nhiều hơn người mua dù cho các chương trình giảm giá, ưu đãi được tung ra liên tục.
Sức mua yếu, doanh nghiệp 'gồng mình' chờ... khách

Khách lèo tèo

Cuối tuần, siêu thị điện máy Chợ Lớn (Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) lác đác khách xem hàng. Cũng các siêu thị trong hệ thống này trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), Quang Trung (quận Gò Vấp), lượng khách đến tham quan, mua sắm vắng hoe.

“Trước đây thu nhập mỗi nhân viên trên 15 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn lương cứng chưa tới 8 triệu đồng/tháng”, chị M., nhân viên giới thiệu sản phẩm cho một thương hiệu điện tử nổi tiếng tại siêu thị điện máy Chợ Lớn, cho hay.

Khoảng 7 giờ tối cuối tuần, tại gian hàng của siêu thị điện máy Nguyễn Kim (nằm trong BigC Trường Chinh, quận Tân Phú) chỉ có 3 người lớn, 1 trẻ em xem sản phẩm ti vi trưng bày. Tiếp tục ghi nhận tại hệ thống siêu thị này trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), cả không gian mua sắm rộng hàng ngàn mét vuông chỉ vài khách hàng.

Hết xem mẫu hàng đến dò giá chiếc máy điều hòa 1 HP, anh Ngô Văn Phú (ngụ quận Gò Vấp) cho hay, nhà diện tích nhỏ, nằm trong hẻm sâu khá nóng nên anh muốn mua chiếc máy điều hòa để tiện sử dụng. Mức giá dao động từ 5,5-11,5 triệu đồng/chiếc, giảm từ 5-26% so với trước đây, tùy thương hiệu. “Tuy vậy, tôi vẫn phải tham khảo thêm ở các siêu thị điện máy khác trước khi chốt hàng”, anh Phú nói.

Theo các siêu thị, trường hợp xem hàng nhưng chưa mua ngay như anh Phú khá nhiều. Ghi nhận tại các siêu thị, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá tốt, dao động từ 5-40%, hỗ trợ công lắp đặt, phí vận chuyển, tặng kèm phiếu mua hàng… Thế nhưng, sức mua vẫn giảm sâu từ 30-70% so với trước dịch Covid-19.

Theo thông tin từ hệ thống điện máy Nguyễn Kim, siêu thị điện máy Chợ Lớn, Điện máy Xanh… người tiêu dùng quan tâm nhiều đến hàng hóa thiết yếu nên những mặt hàng giá trị lớn, không thiết yếu (chẳng hạn như hàng điện máy) nằm ngoài “rổ” ưu tiên của người mua, khiến hàng tồn kho tăng cao.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tiếp tục giảm nhanh, cả nước chỉ nhập khẩu 3.257 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch hơn 88 triệu USD. Trong khi đó, tính chung quý 1-2023, cả nước nhập khẩu hơn 42.000 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch trên 925 triệu USD.

Cập nhật của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tháng 4 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3-2023 và giảm 47% so với tháng 3-2022. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với năm 2022, riêng xe chuyên dụng giảm 58%.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao, lượng xe tiêu thụ giảm mạnh. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này liên quan đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất tăng cao, tỷ giá, lạm phát…

“Gồng sức” chờ đợi

Hàng loạt biện pháp được doanh nghiệp áp dụng như cắt giảm nhân sự, thu hẹp mặt bằng, khuyến mãi đậm để “xả bớt” hàng tồn kho, bán thêm các mặt hàng gia dụng như ly, chén… nhưng vẫn không hiệu quả. Để giải quyết bài toán khó khăn trước mắt, vừa qua siêu thị điện máy Thiên Hòa, ở chân cầu Tham Lương (giáp ranh quận Tân Bình với quận 12) đã đóng cửa, thông báo sang nhượng mặt bằng.

Tương tự, trước đây siêu thị điện máy Nguyễn Kim (bên cạnh BigC Trường Chinh) hoạt động rầm rộ do lượng khách mua hàng đông đúc, thì nay thu hẹp mặt bằng, đưa cửa hàng vào tầng trệt và kinh doanh ngay trong siêu thị BigC. Nhiều cửa hàng điện máy, siêu thị từng hoạt động nhộn nhịp dọc tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) nay cũng đóng cửa im ỉm hoặc trả mặt bằng vì vắng khách.

Tại sao người dân đến các cửa hàng, trung tâm siêu thị quá ít so với trước? Theo lý giải của một số doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy, tâm lý chung của các gia đình trước dịch Covid-19 là sẵn sàng đổi sản phẩm mới (tivi, tủ lạnh, máy giặt…) sau một thời gian sử dụng chứ không chờ hư, nhưng nay thu nhập bị ảnh hưởng nên tác động trực tiếp đến sức mua. Ngoài ra, thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều, là một trong những lý do khách không trực tiếp đến siêu thị.

Các doanh nghiệp cho hay, có thể mất khoảng vài năm nữa thị trường mới nhộn nhịp trở lại, nhưng tất cả vẫn chỉ là dự báo. Đối mặt với khó khăn trước mắt liên quan đến chi phí mặt bằng, trả lương nhân viên, kho bãi chứa trữ hàng hóa... doanh nghiệp vẫn phải tính toán, “gồng sức” từng ngày.

Vẫn biết đây là khó khăn không riêng ngành nghề nào trong bối cảnh hiện nay, nhưng nếu các doanh nghiệp bán lẻ không trụ nổi, Nhà nước không có các chính sách hỗ trợ kịp thời (như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi…) thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Hàng ngoại chiếm ưu thế

Hiện tại, một số mặt hàng điện máy thương hiệu trong nước như Kangaroo, Alaska, Sunhouse, Nagakawa… có thị phần khá nhỏ, không đáng kể so với hàng loạt “ông lớn” nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Ước tính từ các doanh nghiệp, quy mô thị trường của các thương hiệu như Samsung, LG, Sony, Casper, TCL, Toshiba, Sharp, Panasonic, Electrolux… ở nước ta khoảng 2,5 tỷ USD.

Các tin khác