Do vậy các doanh nghiệp (DN) cần tạo được niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong giai đoạn phục vụ đặc biệt này, bởi mất niềm tin là mất tất cả.
Bài học giá xăng dầu và thịt heo
Đi sâu phân tích những diễn biến một số mặt hàng đặc biệt trong năm 2022, có thể thấy nổi lên và “nóng” nhất là mặt hàng xăng dầu. Suốt trong gần 1 năm, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp chưa từng có, nhất là thị trường trong nước. Giá xăng có lúc đã lên tới trên 32.000 đồng/lít, giá dầu diezen lại cao hơn giá xăng. Giai đoạn giữa quý III đến 2 tháng đầu quý IV, một mặt nguồn cung xăng dầu có lúc khó khăn, dự trữ xăng dầu rất mỏng (chỉ 5-7 ngày), mặt khác chi phí vốn cho chuỗi kinh doanh xăng dầu không đủ, dẫn đến một số đơn vị dù làm ăn nghiêm túc vẫn phải dừng nhập khẩu, hoặc tạm ngừng hay ngừng bán ra cho người tiêu dùng vì sẽ thua lỗ.
Có thể thấy việc điều hành của các cơ quan quản lý được phân công trong lĩnh vực này còn lúng túng bị động, có lúc chậm trễ trong việc giải quyết những kiến nghị về chiết khấu, chi phí kinh doanh, nên đã tạo ra những tình hình không mong muốn trong việc cung ứng cho các DN và người tiêu dùng. Tuy giai đoạn khó khăn này đã vượt qua và tình hình đã trở lại bình thường, song điều quan trọng rút ra bài học là không thể điều hành một mặt hàng hết sức quan trọng này bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải sớm tập trung đầu mối quản lý, nâng mức dự trữ hợp lý, mới có thể đủ sức giải quyết những bất thường xảy ra, tiến tới phải từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường.
Mặt hàng thứ 2 có ảnh hưởng đến thị trường và tiêu dùng nói chung trong năm qua không thể không nhắc đến là thịt heo. Đây là mặt hàng theo thống kê chiếm tới 65-70% lượng thịt các loại của các gia đình hiện nay. Chính vì vậy nó được xã hội tiêu dùng và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Thời kỳ từ cuối năm 2021 đến tháng 8-2022, giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao khoảng 75.000 đồng/kg. Nhưng bắt đầu từ tháng 9-2022, giá heo hơi giảm dần ở hầu hết tỉnh thành trong cả nước, đến gần cuối tháng 12 giá đã hạ xuống mức rất thấp 51.000-53.000 đồng/kg. Do chi phí đầu vào của chăn nuôi heo tăng cao, giá thành tương đương khoảng 60.000-62.000 đồng/kg, nên nếu tiếp tục tình hình trên cho đến Tết Nguyên đán và cả sau tết, các hộ chăn nuôi sẽ lỗ rất lớn. Những giải pháp đề ra để kéo giá heo lên như xuất khẩu, cấp đông dự trữ… đều đang vướng phải những khó khăn, nên chưa thể thực hiện được trong năm 2022.
Bài học rút ra từ mặt hàng này, là công tác nắm chắc số liệu thống kê của đàn heo trong nước, công tác dự báo về giá cả, cân đối cung cầu từng thời kỳ và vấn đề xuất khẩu chính ngạch một cách ổn định, đi đôi với việc chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, tái đàn…, đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi cá thể một cách ổn định.
Dự báo thách thức và áp lực lớn
Một tín hiệu vui cho thị trường năm 2023 là có bước đệm ổn định, khi kinh tế vĩ mô trong nước năm 2022 đạt được những kết quả tích cực. Như dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ tháng 3-2022. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp dự báo cả năm 2022 tăng khoảng 10% so với năm trước. Tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15-16%. Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó xuất khẩu ước đạt 380-384 tỷ USD, tăng khoảng 14%; cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỷ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan, ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước.
Thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi. Trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư (một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch). Lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát, dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8-9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm). Hoạt động DN phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Dù các kết quả đạt được trong năm 2022 khả quan, các dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn đứng trước những thách thức và áp lực lớn. Những thách thức đến từ bên ngoài khi môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế. Trong nước, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm. Thêm vào đó, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.
Đáng chú ý, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại, do các DN bắt đầu từ quý IV-2022 bị cắt giảm đơn hàng, dẫn tới công nhân bị giãn việc, mất việc với số lượng lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua xã hội. Điều này sẽ tác động rất lớn đến sức mua cũng như thị trường giá cả trong nước nói chung.
Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.