Mới đây, một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy hải sản tại TP HCM đã gửi công văn "cầu cứu" Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka bằng các biện pháp ngoại giao, trọng tài thương mại lẫn tư pháp quốc tế giúp DN này đòi nợ công ty đối tác ở Sri Lanka.
Lấy hàng nhưng không trả tiền
Trong công văn, DN này cho biết từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 có xuất khẩu 2 lô hàng cá saba đóng hộp trị giá 112.700 USD cho đối tác tại Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT. Điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100% at sight (nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ).
"Ngay sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, chúng tôi đã thông tin đến bên mua về kế hoạch xuất trình bộ chứng từ nhờ thu qua ngân hàng đúng theo quy định của phương thức D/P và được phản hồi yêu cầu chờ thêm xác nhận của họ để họ kiểm tra lại với ngân hàng tại Sri Lanka.
Sau đó, bên mua giải thích do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán T/T, cụ thể là bên mua phải hoàn tất chuyển tiền cho bên bán trước khi bên bán gửi các chứng từ gốc. Lấy lý do lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, họ đề nghị gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để chúng tôi gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại" - đại diện DN phản ánh.
Nhận thấy không thể thông quan được lô hàng với chỉ 1/3 vận đơn gốc, DN đồng ý gửi trước 1/3 vận đơn gốc cho cả 2 lô hàng để bên mua hoàn tất thủ tục xin giấy phép nhập khẩu cho 2 lô hàng trên đồng thời liên tục nhắc thanh toán công nợ. Thế nhưng, ngày 28-2-2022, DN kiểm tra thông tin với hãng tàu thì được biết bên mua đã dỡ hàng, trả lại 2 container rỗng tại cảng đích mà không cần đến các chứng từ gốc còn lại.
"Từ đó đến nay, chúng tôi nỗ lực liên lạc để đòi nợ nhưng họ cố tình không hợp tác, cũng không chịu trả tiền" - đại diện DN phản ánh và bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng tại Việt Nam vào cuộc, hỗ trợ làm rõ sự việc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN Việt Nam khi giao dịch quốc tế.
Trước đó, đầu tháng 3-2022, Thương vụ Việt Nam tại Morocco cảnh báo khẩn, yêu cầu DN Việt tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên công ty KN Universe Plastic. Nội dung cảnh báo cho biết KN Universe Plastic là tên mới thay đổi của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo DN Việt Nam mà Thương vụ Morocco đã cảnh báo hồi đầu tháng 4-2020.
Thủ đoạn trước đây của đối tượng Khalid và Công ty Fisherlab Sarl là ký hợp đồng nhập khẩu lần đầu với số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin; sau đó đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không bảo đảm, đòi trả lại tiền, không hợp tác xử lý lô hàng, thông đồng lấy trộm hàng, lảng tránh mọi liên hệ.
Mới đây, đối tượng nêu trên tiếp tục lừa đảo một DN xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam với thủ đoạn mới: thông báo có người nhà bị Covid-19 nên sẽ thanh toán sau để câu giờ đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Tỉnh táo để tránh rủi ro
Lý giải nguyên nhân nhiều DN xuất khẩu bị lừa đảo ở nước ngoài trong thời gian gần đây, tổng giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản lớn tại TP HCM cho rằng dịch Covid-19 đã gây tổn thất nặng nề đối với kinh tế toàn cầu, DN Việt Nam lẫn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác gặp khó khăn, thậm chí là kiệt quệ. Bối cảnh này góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại không lành mạnh.
Về phía DN Việt Nam, trước áp lực phục hồi, cải thiện doanh số sau đại dịch, nhiều DN xuất khẩu tìm kiếm và hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin hoặc chủ quan, hỗ trợ khách hàng sai trình tự thủ tục nên vô tình tiếp tay cho những khách hàng "xấu", dẫn đến những rủi ro về tín dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.
Nhắc lại vụ việc các DN Việt nghi bị lừa đảo khi xuất khẩu 36 container hạt điều sang Ý, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết cách đây nhiều năm, công ty ông suýt bị lừa lô hàng hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD với phương thức tương tự. "Khi đó, DN đã thu hồi được bộ chứng từ gốc trên đường chuyển phát nhờ không tiết lộ số vận đơn chứng từ cho khách hàng nên không bị chiếm đoạt. DN cũng đàm phán để khách hàng đặt cọc 10% giá trị lô hàng nên không bị thiệt hại.
Đến nay, với nhiều năm xuất khẩu, kinh nghiệm của Phúc Sinh là khi gặp khách hàng tương tự (lần đầu mua hàng, giá trị lô hàng lớn, khi đàm phán hợp đồng phát sinh vấn đề) thì lập tức đặt vé máy bay để đến gặp trực tiếp trao đổi với họ" - ông Thông chia sẻ.
Đối với vụ lừa đảo xuất khẩu hạt điều vừa qua, ông Thông cho rằng có một nghịch lý là DN điều xuất khẩu doanh số cả triệu USD nhưng lại không chịu bỏ ra vài ngàn USD để bay sang gặp trực tiếp khách hàng. Ngoài ra, một số DN có ít khách hàng tại một thị trường nên khi gặp sự cố chỉ có cách kéo hàng về hoặc ủy thác cho bên thứ 3 xử lý, kết quả không như DN giải quyết trực tiếp.
Nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho DN xuất nhập khẩu trong nước khi làm ăn quốc tế, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.
Quan trọng nhất là DN phải xác minh khách hàng, giành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng để nắm rõ các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng đó cũng như các điều khoản liên quan đến viễn trách, liên quan đến bồi thường... để không may xảy ra những vấn đề về tranh chấp pháp lý cũng có thể nắm vững được quy trình xử lý.
Đã kiểm soát được các lô hạt điều trong vụ nghi bị lừa đảo xuất khẩu sang Ý Ngày 10-4, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết vụ việc nghi lừa đảo xuất khẩu điều sang Ý đến nay cơ bản đã kiểm soát được tất cả các lô hàng có nguy cơ bị mất trước đó. Một số lô hàng đã tìm được khách hàng mới, giúp DN giảm thiểu thiệt hại. "Cũng có một số vấn đề phát sinh như hãng tàu yêu cầu DN chủ hàng phải đặt cọc 150%-200% giá trị lô hàng trong thời gian từ 2-6 năm (tùy hãng tàu) để lấy lô hàng khi mất chứng từ gốc để phòng ngừa các tình huống phát sinh tranh chấp sau này. Trong khi đó, các DN mong muốn số tiền cọc cần đóng là 110% giá trị lô hàng và khi có phán quyết của tòa án xác định chủ hàng thì sẽ được trả lại cọc. Ngoài ra, do vụ việc kéo dài, chi phí lưu kho bãi khá lớn đối với các DN" - ông Hậu cập nhật diễn biến vụ việc và nói thêm, có được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ rất nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong vụ việc. Đây cũng là bài học dành cho các DN xuất nhập khẩu, khi xảy ra sự cố cần sớm phản ánh đến hiệp hội ngành hàng để tập hợp thông tin, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi đến cơ quan ban ngành phối hợp xử lý. Cảnh báo mới từ thị trường Tây Phi Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria vừa cảnh báo DN Việt Nam làm ăn với Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung cần cẩn trọng với hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức và rất khó lường. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các DN Việt Nam và thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30%-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng. Ngoài ra, DN cũng gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán có độ rủi ro nhất định như T/T, D/A, D/P. "Việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác là cần thiết để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu. DN cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C)" - Thương vụ Việt Nam tại Nigeria lưu ý. |