1. Gắn bó hơn 30 năm với ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, chưa khi nào nguội đi đam mê và nhiệt huyết với nghề. Ông nói nếu xét về tuổi, mình nằm trong nhóm doanh nhân “cũ”, nhưng xét về độ “máu lửa”, sẵn sàng bắt nhịp với những thay đổi mới của thời cuộc để đưa DN tiến lên, ông không hề thua kém lớp trẻ.
Đó có lẽ cũng là lý do 7 năm trước khi khái niệm chuyển đổi số trong DN còn khá mới mẻ, ông Tống đã quyết định thực hiện ở DN mình chỉ với một lý do: Duy Khanh phải thay đổi để thích ứng trong bối cảnh mới.
Nói về hành trình làm mới DN, ông không nói ngay về khó khăn mà nhắc đến thuận lợi trước. Có 2 điểm thuận lợi để Duy Khanh bắt đầu hành trình là sự chủ động từ người lãnh đạo cao nhất (là ông) và quá trình tích lũy mấy chục năm, đã giúp Duy Khanh có được nguồn lực tài chính cho hành trình dài hơi này. Còn khó khăn là làm sao để cả đội ngũ vốn quen làm việc theo cách truyền thống từng bước tiếp nhận cách làm mới.
“Thời gian đầu mọi người vừa phải làm theo cách cũ, vừa phải làm theo cách mới, công việc tăng lên gấp rưỡi mà hiệu quả chưa thể nhìn thấy ngay. Nếu đội ngũ lãnh đạo không quyết liệt và tạo cơ chế, dễ đứt gánh giữa đường. Đẩy cả bộ máy cùng thay đổi không phải điều đơn giản” - ông Tống tâm sự.
Thế nhưng khi dần ổn, nhân viên thoải mái hơn, quy trình thông suốt hơn, quản lý khỏe hơn... nhiều cái được nhận về xứng đáng với những gì bỏ ra. Tất nhiên hành trình chuyển đổi vẫn còn trường kỳ, còn nhiều việc nữa Duy Khanh phải làm nhưng “đầu xuôi” hẳn “đuôi sẽ lọt”.
2. Không chỉ từng DN, trong từng ngành cũng đang có sự đổi thay. Nói về ngành dệt may hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đây là ngành thâm dụng lao động. Thêm vào đó, do dệt may chủ yếu làm gia công nên sản xuất và quản lý sẽ theo cách thức truyền thống.
Thế nhưng, đó chỉ là một nửa sự thật, ngành may hiện vẫn sử dụng khá nhiều lao động, nhưng nhiều DN đang chọn đầu tư để đi con đường mới tăng tính cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn vào những thay đổi trong bức tranh chung của toàn ngành, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, một doanh nhân kỳ cựu trong ngành, tự hào cho biết không ít DN trong ngành may hiện đã đi sâu quá trình chuyển đổi số. Nó không chỉ dừng lại ở việc làm mới hệ thống sản xuất, quản lý, còn từng bước chuyển sang giai đoạn xử lý thông tin từ sản xuất đến toàn chuỗi cung ứng.
Ông Hồng cho biết nhiều doanh nhân trong ngành may đang không ngừng học hỏi và thay đổi tư duy, để nhìn thấy rõ đâu là con đường DN mình phải đi trong kỷ nguyên mới này. Ngay người “đã cũ” như ông trước đây vốn chỉ quen với giấy tờ và báo cáo từ nhân viên, cũng đang từng bước chuyển mình số hóa, không có lý gì DN đi mãi con đường cũ.
“Đừng nghĩ doanh nhân lớn tuổi sẽ khiến DN bắt nhịp chậm hơn kỷ nguyên số. Tuổi lớn có những tích lũy mà DN trẻ chưa thể có ngay được. Thêm vào đó, ở mỗi DN việc đào tạo, bổ sung lực lượng quản lý trẻ diễn ra thường xuyên. Khi đội ngũ quản lý và nhân viên toàn DN đồng lòng, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, việc hòa mình vào kỷ nguyên số sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi đã từng đọc và tâm đắc với câu nói rằng người lãnh đạo là người dẫn dắt sự thay đổi, nhưng thành bại của DN không hoàn toàn ở họ” - ông Hồng bộc bạch.
3. Trong một phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn đặc biệt của nhân loại, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định, phức tạp và mơ hồ. Bởi nhân loại đang bước vào không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn song hành”.
Công nghệ số và chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Đó có lẽ cũng là lý do các DN, doanh nhân không thể không bước vào con đường chuyển đổi trong kỷ nguyên số.
Sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… sẽ làm thay đổi DN theo hướng chuyển đổi số toàn diện, sử dụng hàm lượng công nghệ và chất xám nhiều hơn để cải tiến phương thức kinh doanh, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tất nhiên, trên hành trình bước vào con đường mới, khó khăn nhiều và thất bại cũng không ít.
Nguyên nhân của thất bại cũng muôn hình vạn trạng: thiếu quyết tâm dịch chuyển từ đội ngũ lãnh đạo, thiếu đối tác phù hợp, thiếu nguồn lực hoặc quá kỳ vọng vào công nghệ, kỳ vọng vào những thay đổi nhanh chóng khi chỉ vừa bước chân vào con đường chuyển đổi… Nhưng mỗi thất bại lại là một bài học để các doanh nhân mạnh mẽ hơn, đến gần với thành công hơn. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu hình thành đội ngũ doanh nhân kỷ nguyên số sở hữu tầm nhìn công nghệ.
Những năm qua, lực lượng DN của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các DN là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Việt Nam đang có khoảng 7 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013, trong đó có nhiều doanh nhân lớn gắn liền với những thương hiệu và giá trị DN được định vị trên thị trường quốc tế.
Năm nay, trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ngọn lửa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi trong kỷ nguyên số chắc chắn sẽ tiếp tục được thắp sáng, bằng tinh thần sẵn sàng của những thế hệ doanh nhân trẻ, và cả các doanh nhân đã gắn bó nhiều chục năm trên thương trường.