6 tháng đầu năm ghi nhận có tăng trưởng
Thông tin từ VNR, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty và của khối vận tải dự kiến tăng trưởng khá, trong đó doanh thu khối vận tải tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.
Riêng Công ty mẹ VNR, doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia).
Doanh thu khối vận tải (thu trực tiếp từ hoạt động vận tải) dự kiến hơn 1.729 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số báo cáo về tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay của VNR không phản ánh hết được bản chất những khó khăn và thua lỗ mà ngành này đang gặp phải. Ảnh minh họa.
Theo đại diện VNR, kết quả khả quan này là do khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách đã từng bước phục hồi. Nếu như sau đợt vận tải Tết Nguyên đán phải bãi bỏ hơn 200 đoàn tàu thì đến nay sản lượng vận tải hành khách của các công ty vận tải đã tăng dần đều.
Một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu.
Điển hình là tuyến Hà Nội - Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng bằng đường sắt đang thu hút lượng hành khách rất lớn. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội - Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...
Song song với thúc đẩy vận tải khách, vận tải hàng tiếp tục được duy trì. Tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống, khối lượng lớn như Apatit, phân bón, than, gạo, muối…
Ưu tiên tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Ngoài ra chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và tàu liên khu đoạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Áp lực nặng nề
Tuy nhiên, con số tăng trưởng mà báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 mà VNR đưa ra chưa thể xem đó là “thành tích” để lạc quan. Bởi con số tăng trưởng nói trên là so sánh với cùng kỳ năm ngoái (2021) – cũng là thời điểm VNR lâm vào cảnh làm ăn bết bát, thua lỗ và phải “kêu cứu” để được “giải cứu”.
Ngay đại diện lãnh đạo VNR cũng thừa nhận, tuy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 nhưng thực sự là ngành vẫn chưa khôi phục, chưa đạt được mức cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Thêm vào đó, giá nhiên liệu (xăng, dầu, mỡ nhờn…) tăng cao như hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, giảm lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề ra mục tiêu 6 tháng cuối năm toàn tổng công ty hợp cộng đạt doanh thu hơn 3.863 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ.
Cũng cần nói thêm, trước đó không lâu, tháng 4-2022, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã ban hành Quyết định số 163/QĐ – UBQLV về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022 của VNR.
Về các chỉ tiêu kinh doanh, VNR được giao đạt tổng doanh thu 4.364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế -550 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 115 tỷ đồng, không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn. VNR cũng bị giới hạn các khoản đầu tư trong năm 2022 không vượt quá 35 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của VNR trong năm 2022 vẫn khó có thể dương. Nhiệm vụ của VNR được CMSC giao chỉ là cố gắng đạt mục tiêu… không được phép lỗ quá 550 tỷ đồng!