Robot ồ ạt ra quân
Trong nhiều thập kỷ qua, việc sử dụng robot trong ngành xây dựng hầu như chỉ là trên bàn giấy. Tuy nhiên, với sự thúc đẩy của các công nghệ đột phá như mạng không dây 5G, nguồn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và chi phí lao động tăng cao, một “đội quân” robot xây dựng nhỏ đã được tạo ra và đang nhanh chóng mở rộng về quy mô tại Trung Quốc. Yan Junle, kỹ sư xây dựng cấp cao của dự án dẫn nước từ sông Hàn đến sông Vị Hà, cho biết việc sử dụng robot đang giúp chuyển đổi lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc “từ ngành sử dụng nhiều lao động sang ngành công nghiệp công nghệ cao dựa trên tri thức”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong, dự án dẫn nước nói trên được thiết kế để dẫn 1,5 tỉ mét khối nước mỗi năm từ sông Dương Tử đến sông Hoàng Hà khô cạn ở tỉnh Thiểm Tây. Dự án bao gồm 2 con đập khổng lồ và một đường hầm dẫn nước dài 100km xuyên qua dãy núi Tần Lĩnh. Theo ông Yan, nếu không có các con lăn robot, nhóm xây dựng của ông sẽ phải vật lộn để hoàn thành dự án trong năm nay. Ông Yan và cộng sự cho biết các bác tài khi qua tuyến đường đang thi công sẽ phải nghỉ giải lao thường xuyên vì “các con lăn tạo ra rung động mạnh có thể gây tổn hại đến sức khỏe” nhưng nó cũng giúp cải thiện chất lượng xây dựng. “Con lăn truyền thống do con người thực hiện không thể lấy được dữ liệu xây dựng và ẩn chứa nhiều vấn đề như nén không đều, áp suất thấp, quá áp…đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng xây dựng” - ông Yan nhận xét.
Các nhóm phát triển dự án cơ sở hạ tầng khác, chẳng hạn như nhóm xây dựng các con đập mới ở Tây Tạng hay nhóm xây “thành phố tương lai” Hùng An ở phía Nam thủ đô Bắc Kinh, cũng áp dụng công nghệ tương tự. Song, dự án thủy điện Shuang Jiang Kou trên sông Ðại Ðộ ở Tứ Xuyên đã thật sự đưa việc sử dụng robot lên tầm cao mới. Con đập với vốn đầu tư 20 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3 tỉ USD) này sẽ cao 312m khi được hoàn thành vào năm 2024. Không giống như robot làm việc tại dự án dẫn nước từ sông Hàn đến sông Vị Hà vốn sử dụng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) do Mỹ phát triển và sóng cực ngắn để liên lạc, robot làm việc tại đập Shuang Jiang Kou sử dụng hệ thống định vị Bắc Ðẩu và công nghệ liên lạc 5G của Trung Quốc. Các con lăn thông minh này được liên kết với các cảm biến đặt xung quanh công trường và được trang bị công nghệ thu thập dữ liệu về cách cải thiện hiệu suất, trong khi thiết bị bay không người lái cũng được sử dụng để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường. Tất cả được liên kết với một máy chủ được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều phối tương tác giữa con người với máy móc.
Ngoài ra, robot còn được sử dụng để bảo trì đường bộ, chẳng hạn như trải nhựa đường.
Phát sinh nhiều vấn đề
Giới chức Trung Quốc cho biết robot sẽ giúp nước này giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, cải thiện độ chính xác lên tới 50%, giảm 25% thời gian và cắt giảm 15% chi phí. Tuy nhiên, việc sử dụng robot trong xây dựng phát sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn, công trường xây dựng có thể trở nên khá phức tạp, đặc biệt là khi sử dụng nhiều con lăn. Mặt khác, việc lập kế hoạch và điều phối hoạt động tại công trường có thể đặt ra thách thức đối với công nghệ AI, bởi các thiết bị liên lạc thường bị hỏng ở những khu vực lạnh giá và cao như Tây Tạng.
Ðáng lo ngại, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc gia tăng sử dụng robot trong xây dựng có thể gây tác động tiêu cực đến xã hội. Nghiên cứu do Ðại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc thực hiện hồi tháng 6 phát hiện, sử dụng robot không những không giúp tăng thu nhập mà còn không làm tăng năng suất tổng thể. Còn nghiên cứu do Ðại học Công nghệ Quảng Ðông công bố cho thấy, ở Ðồng bằng sông Châu Giang, việc chuyển đổi từ sức lao động của con người sang robot đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm giảm mức lương trung bình của người lao động. Thậm chí, các chuyên gia cảnh báo việc ứng dụng robot tràn lan có thể “kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng lại phá hủy việc làm”.