Năm 1994, khi Mỹ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước đã chính thức bắt đầu. Trải qua gần 30 năm, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Mỹ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Triển vọng mới cho đầu tư và thương mại
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra từ ngày 10 - 11/9 vừa qua càng tạo nên dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng tầm quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Điều này đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ với định hướng tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo, đóng vai trò nền tảng cốt lõi và là động lực quan trọng của quan hệ song phương.
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về thương mại và đầu tư.
Giới chuyên gia nhận định rằng, sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của DN Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023
Cụ thể đối với lĩnh vực đầu tư, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP. HCM với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỷ USD.
“Cùng với đó, hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Google, Walmart cũng đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Các tập đoàn lớn của Mỹ chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam, đã tạo cơ hội đáng kể cho các DN trong nước có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, tiếp nhận thêm nguồn đầu tư FDI đang có xu hướng dịch chuyển vào khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á”, ông Vượng cho hay.
Tương tự đối với lĩnh vực thương mại, theo nhận định của ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Mỹ luôn là 1 trong những thị trường nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam.
“Dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Hơn nữa, việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn ngay từ Mỹ sẽ tạo ưu thế quan trọng, giúp làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng khi nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Linh nêu lợi thế.
Nâng tầm vai trò, vị thế của Việt Nam
Thực tế qua gần 30 năm bình thường hóa quan hệ và nay là đối tác chiến lược toàn diện, nhờ vào sự kiên định vun đắp, xây dựng lòng tin chiến lược của cả hai phía, Mỹ ngày càng coi trọng vai trò cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực. Mỹ luôn đặt trọng tâm hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến hợp tác mới của Mỹ trong khu vực, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nền kinh tế số…
Cụ thể hóa hơn tiềm năng lợi thế về hợp tác thương mại Việt - Mỹ, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh khác nhau, để đề nghị Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường.
“Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nếu được giải quyết thỏa đáng sẽ không chỉ tạo thuận lợi hơn cho DN Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mà còn giúp cho vai trò, vị thế và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam gia tăng đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Trái cây Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ rộng lớn - Ảnh minh họa: KT
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Mỹ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Mỹ hiện đang được hưởng, mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tuy nhiên, để quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, yếu tố quan trọng là các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. DN cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, cần đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.