Đòn bẩy tài chính quốc gia ngày càng cao

(ĐTTCO) - Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đòn bẩy cao nhất trong khối những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đòn bẩy tài chính quốc gia ngày càng cao

Chia sẻ tại Đối thoại tháng 7: “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), có nhắc lại câu chuyện về hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia (dựa trên tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng/GDP ở Việt Nam) đang vào khoảng 126% (đã tính toán lại, còn nếu tính theo quy mô GDP cũ tỷ lệ còn cao hơn rất nhiều).

Điều này cũng đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam rất phụ thuộc tín dụng ngân hàng (NH).

Lâu nay, tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng/GDP luôn là điểm nóng của nền kinh tế Việt Nam và liên tục tăng dần đều. Năm 2015, tỷ lệ này là 89,7%, năm 2016: 97,6%, năm 2017: 103,5%, năm 2018: 102,9%, năm 2019: 110,2%, năm 2020: 114,3%, năm 2021: 113,2%, năm 2022: hơn 125%.

Đó là những con số được Kiểm toán Nhà nước công bố. Trong khi đó vào năm 2021, Thống đốc NHNN từng công bố số liệu tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên đến 140%, cao nhất trong lịch sử.

Với tỷ lệ như trên, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đòn bẩy cao nhất trong khối những quốc gia có thu nhập trung bình thấp - theo thống kê của WB. Trên cơ sở đó, NH Thế giới, IMF liên tục đưa ra các cảnh báo. Trong các lần công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đều cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam. Gần đây nhất, Moody’s cũng nhắc lại, tỷ lệ này của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa.

Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao, áp lực sẽ đè lên việc cân đối vốn của hệ thống NH và cân đối vĩ mô. Thị trường tín dụng cũng vì vậy luôn trong tình trạng quá tải, vừa lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp (DN).

Trong khi tiềm lực tài chính có hạn, các NH buộc phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn (chủ yếu vay tiền trong dân) và lấy nguồn này cho vay trung và dài hạn. Đổi lại là DN phải vay đầu tư với lãi suất cao, DN bị ảnh hưởng thì nợ xấu tăng, NH cũng đối mặt với rủi ro. Năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng của ngành NH xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đã được nhận định là một con số rất lớn. Song hiện tại đã vượt xa mức này, đạt khoảng 12,49 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6-2023.

Tuy vậy, việc thu hẹp tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP, đưa hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia ra khỏi mức cảnh báo vẫn là một vấn đề đầy khó khăn. Trong các nguồn lực để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tín dụng NH chỉ là một cấu phần. Bên cạnh đó còn có nhiều nguồn khác như vốn tự có của DN, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu DN, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI, nguồn vốn kiều hối…

Ở đây xét riêng các nguồn vốn trong nước, TTCK chủ yếu là sân chơi thứ cấp, dòng vốn được chuyền tay nhau giữa các nhà đầu tư và hỗ trợ cho hoạt động đầu cơ là chính. Vốn hóa toàn TTCK Việt Nam tăng lên hàng năm (theo sự niêm yết mới của DN), nhưng số vốn DN thực tế huy động qua TTCK chiếm tỷ lệ còn thấp so với GDP.

Giải ngân vốn đầu tư công luôn được coi là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng luôn luôn gặp “điểm nghẽn”. Thị trường trái phiếu DN tỏa sáng một thời gian, có những giai đoạn mức độ vốn hóa của thị trường trái phiếu DN lên đến 15% GDP, hiện tại đã bị mây mù bao phủ, hàng loạt khó khăn đã và đang tiếp diễn. Đáng nói là cũng đã có một lượng vốn không nhỏ rót vào kênh trái phiếu DN xuất phát từ dòng vốn của chính các NH, đồng nghĩa với việc vẫn có sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ẩn dưới hình thức khác.

Theo các chuyên gia, thị trường luôn có những khúc quanh, khó khăn… vì vậy đòi hỏi cần phải có sự điều phối từ chính sách cũng như sự cởi mở về khung chính sách, thay đổi về cơ cấu pháp lý để tạo sự trật tự và an toàn cho thị trường vốn. Làm được và làm nhanh điều đó sẽ khai thông được các kênh huy động vốn, tạo lại nguồn lực cho nền kinh tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Các tin khác