Đón đọc ĐTTC số 193 phát hành thứ hai ngày 10-4-2023

(ĐTTCO) - Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 193 phát hành ngày 10-4-2023 với nhiều chuyên mục:

“Xốc dậy” nền kinh tế: Từ quý III-2022, nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn trước những biến động khó lường từ tình hình kinh tế thế giới sau khi các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất… Trong nước, áp lực lạm phát gia tăng, sức ép lãi suất, tỷ giá, thị trường xuất khẩu giảm sút và điểm nghẽn xuất hiện trên hàng loạt thị trường như thị trường vốn, bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)… Trọng tâm của năm 2023 mà Chính phủ đặt ra là tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường vốn, gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho DN, gia tăng năng lực cạnh tranh để thúc đẩy nền kinh tế.

Sài Gòn nóng quá: Đấy là lời than không chỉ người dân mà cả khách nước ngoài khi đến TPHCM. Có một thực tế, nhiệt độ ngoài trời của TPHCM hiện nay cao hơn 1-2OC so với cách nay 15 năm trước. Nguyên nhân là bê tông hóa bề mặt cao quá, khu vực các quận trung tâm đã lên đến hơn 80%, thậm chí 90%, hiện tượng đảo nhiệt thường xuyên xảy ra, nhất là vào đầu mùa mưa, khi nước từ trên cao dội xuống "cái chảo lửa làm cho nước sôi lên". Bê tông hóa bề mặt đồng nghĩa với mảng xanh (cây xanh, thảm cỏ, hồ nước) bị thu hẹp. (Nguyễn Minh Hòa)

Tận thu du lịch ở Hội An, lợi hay hại?: Phố cổ Hội An là di sản văn hóa, với hệ thống nhà cổ được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Nhiều nhà làm phim quốc tế đánh giá phố cổ Hội An như một trường quay có giá trị lớn để thực hiện những bộ phim lịch sử. Phố cổ Hội An kết hợp thánh địa Mỹ Sơn, đã trở thành tour du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Để vẻ đẹp ấy trường tồn, cần có chiến lược xây dựng văn hóa bền vững cho phố cổ Hội An, chứ không phải tranh thủ tận thu từ việc bán vé. (Tuy Hòa)

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Luồng gió mới thổi vào hướng cũ: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được NHNN chỉ đạo chủ chốt 4 NHTM có vốn nhà nước triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà vay vốn trong các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án cải tạo chung cư cũ, được xem là điểm nóng cho cả thị trường tài chính và bất động sản (BĐS), nhưng thực tế vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng thẩm thấu vào thị trường. (YÊN LAM)

Làm sao để “đúng” và “trúng”?: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể xem như “mũi tên trúng 2 đích”: vừa là liều thuốc “cấp cứu” cho thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà ở. Chủ trương, mục đích của gói tín dụng này là đúng, song để quá trình triển khai “đúng” và “trúng” đang là vấn đề dư luận quan tâm. (Lưu Thủy)

Cần phân nhóm vướng mắc từng dự án: Để đẩy nhanh tiến độ của các dự án, Sở Xây dựng đã kiến nghị TP phân nhóm các vướng mắc của từng dự án, từ đó quy trách nhiệm cho từng sở ngành đẩy nhanh thủ tục. Hiện nay toàn TP có hơn 150 dự án vướng pháp lý đang chờ tháo gỡ. Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc, gồm hoán đổi nghĩa vụ NoXH; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ NoXH tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. (TRẦN HOÀNG QUÂN, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM):

Có tiền nhưng chưa chắc có nhà để mua: Hiện nay gói 120.000 tỷ đồng trong giai đoạn này thực sự chưa phát huy hết tính tích cực. Bởi lẽ, nếu người mua vay được nhưng không có nhà để mua, vì hiện toàn TP hầu như không có dự án NoXH nào được phê duyệt. Vấn đề đặt ra, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang vướng mắc, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai xây dựng dự án, từ đó người có nhu cầu mới có thể vay tiền để mua nhà. (LÊ HỮU NGHĨA, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành).

Hoàn thiện chính sách tín dụng cho NoXH: Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NoXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng với hướng dẫn trên của NHNN, là những tín hiệu tích cực cho việc phát triển phân khúc NoXH. Theo đó, mở ra triển vọng huy động nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để phát triển NoXH, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người thu nhập thấp và công nhân lao động, nhằm bảo đảm “quyền có chỗ ở” của người dân theo quy định của Hiến pháp 2013. (LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM)

Vực dậy GRDP TPHCM: Khai thông thủ tục, tạo niềm tin: Việc GRDP của TPHCM chỉ tăng 0,7%, mức tăng thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng bình quân của cả nước là 3,32%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, và nằm trong top 10 địa phương có mức tăng thấp nhất đến tăng trưởng âm, đã tạo hiệu ứng lo lắng cho các nhà hoạch định chính sách, bởi TPHCM được ví như đầu tàu kinh tế cả nước. Lãnh đạo TPHCM và Chính phủ đã có những cuộc họp ngay sau đó để tìm nguyên nhân và giải pháp. Mặc dù kinh tế TPHCM gọi là giảm sâu, nhưng sức sống, vị trí, vai trò và lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo… vẫn còn đó. Nếu khai thông được niềm tin, thủ tục, khả năng phục hồi hoàn toàn không khó. Vì sao có hiện tượng này, và TPHCM cần làm gì để vực dậy tăng trưởng. (TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia).

Nghị quyết thay thế 54 sẽ “hóa giải” cho TPHCM: Tôi thấy khá bất ngờ với tốc độ tăng trưởng của TPHCM chỉ có 0,7%. Nhìn vào cơ cấu, khó khăn này nằm nhiều ở lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo. Còn lĩnh vực dịch vụ của TPHCM như doanh thu bán lẻ, du lịch, lưu trú, ăn uống đều tăng trưởng tốt hơn các tỉnh khác. Phải chăng do nội tại TPHCM có vấn đề? (TS. PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực UBKT của Quốc hội)

Giải quyết đồng bộ cơ chế và con người: TPHCM đang tập trung khắc phục tình trạng tăng trưởng GRDP ở mức thấp của quý I-2023 bằng nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, về cơ chế, chính sách, TP đang chờ Trung ương ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 với những cơ chế đặc thù phù hợp hơn nữa, cũng như các chính sách cụ thể của Chính phủ và các bộ ngành sát tình hình thực tế của TP hơn. Bản thân TP đang rà soát các quy định, giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về các thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tăng mức đầu tư toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. (Nguyễn Minh Hải)

Áp lực cho 3 quý còn lại 2023: Kết quả tăng trưởng GDP quý I-2023 chỉ 3,32% chưa đạt mục tiêu, và khó khăn này có thể kéo dài hết quý II. Đó là chưa nói đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) - một trong những điểm sáng kinh tế trong suốt thời gian qua, trong quý I giảm tới 19,3%. Nguyên nhân do các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư vào nước ta trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ. (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG).

Động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%, nhưng quý I tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Để tăng trưởng cả năm đạt được kỳ vọng như đã đề ra, đầu tư công được xem là động lực quan trọng. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023. Dù vậy, động lực chính cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023 lại xuất phát từ đầu tư công. (NGUYỄN MINH CƯỜNG, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB).

Thiếu nền tảng cho tăng trưởng trung, dài hạn: Để xốc lại động lực cho tăng trưởng kinh tế, cần phải có những giải pháp căn cơ có tính dài hơi. Không chỉ đặt ra mục tiêu đạt được cho năm nay, còn phải tạo nền tảng đòn bẩy cho đà tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. (PGS.TSKH Võ Đại Lược, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng).

Kỳ vọng ngành thép vẫn “mịt mù”: Nhóm cổ phiếu (CP) thép được đánh giá đã vượt qua vùng đáy nhờ sự hồi phục của giá thép. Thế nhưng, nhà đầu tư (NĐT) vẫn giữ góc nhìn thận trọng với nhóm ngành này, bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thép đang ở mức thấp. (KIM GIANG)

Dòng tiền nội trở lại với chứng khoán: Chưa bao giờ thị trường chứng khoán (TTCK) lại liên tiếp đón nhận thông tin về 2 quyết định giảm lãi suất chỉ trong vòng 2 tuần. Như một liều “doping hạng nặng”, thị trường tăng bùng nổ những ngày qua với mức thanh khoản gia tăng chóng mặt. Đúng vào lúc dòng vốn ngoại bắt đầu có tín hiệu hụt hơi, dòng vốn trong nước đã quay trở lại. (NGUYÊN HÀ).

Xuất khẩu qua Trung Quốc: Tuân thủ “luật chơi” chính ngạch: 3 tháng đầu năm, trong bối cảnh nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu nhu cầu chưa phục hồi, Trung Quốc lại nổi lên như điểm sáng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tiến sâu hơn vào thị trường tỷ dân này, cần có sự chuyển mình mạnh mẽ vì Trung Quốc đã không còn dễ tính. (Đức Mạnh).

Xuất khẩu quý II: Nhen nhóm niềm tin: Khép lại quý I, kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… giảm mạnh. Tuy nhiên, không ít ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đang đặt niềm tin quý II tình hình sẽ phần nào khởi sắc hơn. (Thanh Lâm)

Xuất khẩu xoay xở thế nào?: Cái gì đến đã đến. Bão khó khăn khởi phát từ cuối năm 2022, càng lộ từ đầu 2023. Thông tin về sụt giảm xuất khẩu (XK) của cả nước trong quý I-dày đặc trên truyền thông. Từ “kinh tế thế giới phục hồi chậm”, xuất khẩu của Việt Nam quý I “kém sắc” cho đến “kim ngạch của hầu hết mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước”, trong đó có gương mặt chủ lực giảm tới 2 con số. (Nguyễn Duy Nghĩa).

Độc đáo cổng cưới miền Tây: Nhóm bạn là những người đàn ông, nam thanh niên của Nhóm Cổng cưới Miền Tây ở xã Tường Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) với những “hoa tay” khéo léo đã thiết kế rất nhiều chiếc cổng cưới rực rỡ, giúp kết nối, đem lại niềm vui cho ngày trọng đại của gia chủ. Từ đó, nhóm thiết kế cổng đã tạo được thêm việc làm thường xuyên cho anh em. (TRỊNH MINH THÁI)

Đền Taj Mahal Biểu tượng tình yêu vĩnh hằng: Không chỉ được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới mới, đền Taj Mahal còn là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng, niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ hàng trăm năm qua. (NGUYỄN VĂN CÔNG, Ảnh: TRƯƠNG QUÝ)

Ứng dụng Pinduoduo theo dõi các ứng dụng khác: Pinduoduo là một trong những ứng dụng mua sắm phổ biến nhất của Trung Quốc, như bán quần áo, hàng tạp hóa và mọi thứ khác cho hơn 750 triệu người dùng mỗi tháng. Nhưng theo các nhà nghiên cứu an ninh mạng, ứng dụng này có thể theo dõi các hoạt động trên các ứng dụng khác, kiểm tra thông báo, đọc tin nhắn riêng tư và thay đổi cài đặt trên điện thoại của người dùng. (Vĩnh Cẩm)

CEO Ermotti - Người hùng trở lại Credit Suisse: Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS cho biết hôm 29-3 rằng họ sẽ đưa cựu Giám đốc điều hành Sergio P. Ermotti trở lại, khi chuẩn bị tiếp quản Credit Suisse, vốn là đối thủ trước đây của họ. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác