Đón đọc ĐTTC số 200 phát hành thứ hai ngày 29-5-2023

(ĐTTCO) - Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 200 phát hành ngày 29-5-2023 với nhiều chuyên mục:

GMT không làm giảm dòng vốn FDI: GMT có cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam hay không? Câu trả lời là khó có khả năng này. Bởi thực tế, các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính dòng vốn FDI. Những yếu tố như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng và tiền lương) và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn. Hơn nữa, Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế GMT khi cơ chế này được triển khai. (Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital)

Câu chuyện "hồn trương ba, da hàng thịt" các nhà băng: Sau bài viết “Giải mã sự “đặc biệt” và “huyền bí” của các nhà băng”, tòa soạn ĐTTC đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, cũng như cần có một giải pháp. Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM.

Chống thao túng ngân hàng: Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần là chưa đủ: Nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng của nhóm cổ đông và người có liên quan tại các tổ chức tín dụng (TCTD), trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), NHNN đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại TCTD: với cổ đông cá nhân từ 5% xuống 3%; tổ chức từ 15% xuống 10%; người có liên quan từ 20% xuống 15%. Liệu quy định như vậy có đủ chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo tại các ngân hàng (NH)? ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.

TPHCM cần chính sách thu hút nhân tài: Phát triển kinh tế dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chuyên gia, nhà khoa học sẽ là xu hướng tất yếu cho TPHCM. Tuy nhiên, để làm được cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM.

Tạo sức bật cho nhà ở, quỹ đất và hạ tầng: Một trong những nội dung dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 (NQ54) của Quốc hội cho TPHCM, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ khá nhiều điểm nghẽn trong lĩnh vực đô thị, như phát triển nhà ở, tạo quỹ đất, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển… (Bình Minh)

TPHCM phải tiến đến đô thị thông minh: Hiện số lượng người dân tập trung sinh sống và làm việc tại TPHCM ngày càng tăng, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu các nguồn lực, như nước sạch, không gian, năng lượng và đất đai… Để xử lý vấn đề này, việc xây dựng TPHCM là TP thông minh càng trở nên cấp thiết. (TS. Đoàn Duy Khương)

Kích cầu du lịch cần kết nối các địa phương: Trả lời ĐTTC, ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết kích cầu du lịch được xem là giải pháp tối ưu vào thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt sự chủ động quảng bá, giới thiệu và kết nối du lịch của các địa phương sẽ là động lực quan trọng.

Du lịch TPHCM gỡ từng nút thắt: TPHCM là một trong số ít địa phương có số lượng sản phẩm du lịch lớn. Tuy nhiên, để du lịch TP thực sự bứt tốc vẫn cần có sản phẩm chất lượng, đặc trưng để nhắc đến là nhớ, khách đến phải trải nghiệm. Du lịch TPHCM sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu năm nay đón 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt khoảng 160.000 tỷ đồng. (Thanh Lâm)

Du lịch ĐBSCL thiếu gì, cần gì? Một Việt kiều nhiều năm xa quê muốn đi tour xuyên vùng hỏi tôi: “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gì chơi được?”. Tôi đáp thuyết phục cũng khá lúng túng: Miền Tây gần như có đủ thứ để chơi, từ du lịch lữ hành đến nghỉ dưỡng, không thiếu những gói sản phẩm từ bình dân đến chất lượng cao của Phú Quốc; có những món ẩm thực đặc sắc và sản phẩm du lịch đặc thù của sông nước, miệt vườn, biển đảo. Nhưng dường như cái thiếu là chưa đủ sức kéo khách quay trở lại vùng này, đó là… mức độ hài lòng của du khách. (TS. TRẦN HỮU HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL)

Du lịch nông nghiệp thiếu hành lang pháp lý: Du lịch nông nghiệp được xem là một trong những phân khúc góp phần làm đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch nước ta, từ đó giúp kích cầu du lịch. Tuy nhiên, đến nay khung khổ pháp lý cho loại hình này phát triển vẫn chưa có, nhất là vẫn có sự “chéo” nhau giữa 3 luật: Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2014, và Luật Du lịch năm 2017. (PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường ĐH Luật Hà Nội)

Tầm nhìn dài hạn đầu tư ra nước ngoài: Trao đổi với ĐTTC, TS. PHAN HỮU THẮNG, Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng cần một tầm nhìn dài hạn về đầu tư quốc tế, từ đó mới định hướng rõ hơn để dẫn lối cho các nhà đầu tư Việt Nam vươn ra biển lớn thành công. Thực tế cho thấy, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có cả thành công và thất bại, vì đây là một quá trình phát triển hoàn toàn mới mẻ đối với các DN Việt.

Đà Lạt đang đánh mất bản sắc kiến trúc: Trải qua nhiều thập niên, Đà Lạt được biết đến là thành phố du lịch với kiến trúc biệt thự đặc trưng nước Pháp “vườn trong phố, rừng trong phố”, cùng với cảnh quan thiên nhiên của đồi Cù, thác, hồ tạo nên vẻ đẹp quyến rũ. Thế nhưng, di sản kiến trúc - cảnh quan độc đáo ấy đang dần mất đi, đặc biệt việc xây dựng công trình kiên cố giữa đồi Cù đang gây bức xúc dư luận. (Văn Phong)

Doanh nghiệp “sạch bóng” cổ đông lớn, vì sao? Việc hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết không còn cổ đông lớn (sở hữu trên 5% vốn điều lệ) khiến cho nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ lo lắng. Thậm chí, nhiều NĐT quyết định bán cắt lỗ cổ phiếu (CP) vì lo ngại DN sắp phá sản. Không có cổ đông lớn sẽ khiến DN gặp nhiều bất lợi như thiếu sự hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, mối quan hệ… Nhưng ngược lại sẽ giúp cho DN bớt đi nỗi lo chia sẻ quyền kiểm soát DN, ý đồ thâu tóm… làm cho hoạt động DN bị tác động theo chiều hướng kém tích cực. (KIM GIANG)

Liên tục giảm lãi suất, vì sao chứng khoán vẫn “trơ”? Phiên giao dịch ngày 24-5 vừa qua, rất có thể là một ngày thất vọng với nhiều nhà đầu tư (NĐT). Từ tối ngày 23, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại một lần nữa gây bất ngờ khi quyết định giảm thêm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Chính sự bất ngờ này đã tạo kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có một phiên tăng bùng nổ, nhưng đã… thất vọng. (NGUYÊN HÀ)

Ngành phân bón triển vọng sáng dần: Tính tới 24-5, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 6 đối với phân DAP trên sàn CBOT giao dịch quanh mức 465USD/tấn, giảm 54,2% so với mức đỉnh 1.015USD/tấn thiết lập hồi tháng 3-2022. Giá phân Urea kỳ hạn tháng 6 trên sàn CBOT giao dịch quanh mức 322,5USD/tấn, giảm gần 64% trong cùng khoảng thời gian. (Phạm Tuấn)

Vun đắp văn hóa để nhận diện thương hiệu địa phương: Trên thế giới có nhiều đô thị đã được công nhận là thành phố thi ca, hoặc thành phố sách. Vì vậy, chúng ta cần hình thành và vun đắp những vùng đất văn học, để củng cố bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng và bền vững. Đó là nội dung Tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học?” vừa được tổ chức tại Phú Yên với sự tham dự của nhiều nhà văn tên tuổi khắp cả ba miền như Nguyễn Trí Huân, Ngô Vĩnh Bình, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bình Phương, Bích Ngân, Trình Quang Phú, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Thu Phương, Bùi Anh Tấn. (TUY HÒA)

Venice - Thánh địa tình yêu: Được mệnh danh là thánh địa tình yêu của nước Ý, Venice “lọt vào mắt xanh” của nhiều du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nếu như Pháp có kinh đô ánh sáng rực rỡ, Đức có thủ đô Berlin, hay Hà Lan nổi tiếng với những cối xay gió khổng lồ, thì nước Ý lại khiến người ta gợi nhớ ngay đến thành phố Venice xinh đẹp. Mỗi góc nhìn ở thành phố này đều mang đến nét lãng mạn và bí ẩn đến khó tả. (FAHOKA Xê dịch)

Mỹ - Trung: Cuộc chiến vi mạch không lối thoát: Ngày 21-5, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu các công ty hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm do Micron Technology (một công ty Mỹ) sản xuất. Vì Trung Quốc là thị trường cực lớn của Micron, nên động thái mới nhất này khiến cuộc chiến vi mạch Mỹ-Trung ngày càng leo thang và dường như không có lối thoát cho bất cứ bên nào. (VĨNH CẨM)

Rayyanah Barnawi - Nữ phi hành gia Ả Rập đầu tiên vào vũ trụ: Trong xã hội Hồi giáo, phụ nữ Ả Rập thường phải sống khép kín, thậm chí không được để lộ gương mặt của mình nơi công cộng. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ vượt qua những kiềm chế ấy và trở thành gương mặt truyền cảm hứng cho cả thế giới. Rayyanah Barnawi chính là phụ nữ như thế, khi trở thành nữ phi hành gia Ả Rập đầu tiên bay vào vũ trụ ngày 21-5 vừa qua. (Ánh Vân)

Các tin khác