Đón đọc ĐTTC số 220 phát hành thứ hai ngày 16-10-2023

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 220 phát hành ngày 16-10-2023 với nhiều chuyên mục:

- Đừng để mục tiêu trở thành giấc mơ: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 đã qua, nhưng nhìn về hiện tại của 2023 và quá khứ gần của vài năm trở lại đây, doanh nghiệp (DN) Việt trải qua nhiều khó khăn từ nội tại đến ngoại lai. Còn ở tương lai thời gian tới năm 2030 càng gần lại, mục tiêu có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65% càng trở thành thách thức. Nhưng thách thức hơn, là đất nước đang cần những DN trụ cột để cạnh tranh, là khu kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế.

- Chuyện khai sinh và khai tử đường sách: Hiện cả nước có 6 đường sách ở các TP như Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhưng chỉ có 1 đường sách ăn nên làm ra, 1 đường sách duy trì được nhờ sự bao cấp. Đường sách TP Vũng Tàu đóng cửa sau 5 năm hoạt động chật vật. Đường sách TP Buôn Ma Thuột sống èo ọt nghe chừng cũng sắp hạ màn. Còn đường sách TP Thủ Đức (TPHCM) và Cao Lãnh đang cố gắng duy trì được tới đâu hay tới đó. (Hòa Minh)

- Đừng đẩy người nghèo ra xa…: Khi điều kiện xã hội có những khó khăn, người nghèo càng trở nên yếu thế. Vì vậy, họ càng được quan tâm bảo vệ, giúp đỡ. Đó là một trong những cách giúp an dân và ổn định xã hội, từ đó tạo tiền đề để xã hội phát triển. (Nguyễn Minh Hải)

- Biến động tỷ giá và sức ép lãi suất: Ở thời điểm này, nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn. Để giảm áp lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục hút ròng trên thị trường mở qua kênh phát hành tín phiếu. Thế nhưng, sau công cụ này của NHNN tỷ giá USD/VNĐ vẫn tiếp tục biến động mạnh, trong khi đó lãi suất đã có xu hướng tăng trở lại trên thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường liên NH. (Yên Lam)

- Biến động tỷ giá: Trong ngắn hạn vẫn trong tầm kiểm soát: Những biến động của tỷ giá USD/VNĐ là đáng chú ý, song vẫn chưa tác động nhiều đến thị trường, do đó chưa cần phải thay đổi mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tóm lại, trong ngắn hạn vẫn trong tầm kiểm soát. Từ đầu năm đến nay VNĐ đã mất giá khoảng 3,5%. Vì thế, mục tiêu của NHNN hiện nay là giữ lãi suất của VNĐ sao cho đủ hấp dẫn, để không xảy ra vấn đề lớn nhất đối với tỷ giá USD/VNĐ. (Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tổng Giám đốc AFA Capital)

- “Nước rút” thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2023: Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất thuận, thời gian của năm 2023 còn lại không nhiều, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là điều khó khăn. Vì thế, duy trì mức tăng trưởng hơn 5% có thể xem là thành công. Song để đạt được điều này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có tính “nước rút”. Trong những tháng còn lại của năm nay, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu đầu tư và kích cầu xuất khẩu. (TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

- Nới lỏng điều kiện vay để kích hoạt nền kinh tế: Tính đến đầu trung tuần tháng 10, sau 15 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ra khỏi hệ thống gần 165.700 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng từ các nhà băng. Điều đáng nói là nghịch lý trên diễn ra trong bối cảnh thời gian dành cho những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm 2023 không còn nhiều. (Hoàng Sơn)

- Tháo gỡ vướng mắc mới nâng hạng thị trường: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống tài chính nói riêng và kinh tế của Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để TTCK “minh bạch hóa” và “chuyên nghiệp hóa”. Việt Nam cần thay đổi các văn bản pháp lý liên quan, như Pháp lệnh ngoại hối có hiệu lực từ tháng 6-2013, Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tự do hóa hơn, giảm thiểu các quy định, hạn chế với các giao dịch ngoại hối, hoạt động chuyển tiền ra và vào Việt Nam. (TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia)

- Tổng lực kích cầu tiêu dùng cuối năm: Mùa mua sắm lớn nhất trong năm đang đến gần, nhưng những lo lắng về việc làm, thu nhập và chi phí gia tăng có thể khiến người tiêu dùng (NTD) siết lại các khoản chi, đồng thời có nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm. Thực tế này đang buộc các doanh nghiệp (DN) phải có chiến lược kích cầu mạnh mẽ. (Thanh Lâm)

- Vốn ngân hàng: Thừa ngắn, thiếu dài: Lãi suất đang ở mức thấp trên 2 thị trường dân cư và liên ngân hàng (NH), tăng trưởng huy động cao hơn năm ngoái, và NHNN liên tục nhắc chuyện thừa tiền trong hệ thống NH. Tuy nhiên, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các nhà băng lại đang tăng tốc phát hành huy động vốn khủng. Vậy NH đang thừa vốn hay thiếu vốn? Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà băng thừa tiền, nhưng vẫn đối mặt với khó khăn về dòng vốn dài hạn để bơm vào nền kinh tế. (Đỗ Linh)

- Nhiều doanh nghiệp niêm yết “gánh lỗ” tỷ giá: Biến động tỷ giá USD/VNĐ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi. Nhưng phía ngược lại, nhiều doanh nghiệp có khoản vay bằng USD đối mặt với khả năng gánh thêm khoản lỗ tỷ giá. Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác mức độ mất giá của VNĐ vẫn ở trong tầm kiểm soát. (Kim Giang)

- Nỗ lực “giải cứu” sổ hồng hàng chục ngàn căn hộ: Sau hơn 4 tháng triển khai Kế hoạch 3981/KH-STNMT-VP về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà, tài sản trên đất (GCN) tại các dự án nhà ở thương mại (NoTM) trên địa bàn TPHCM, đã có hàng chục ngàn căn hộ, nhà phố được cấp GCN. Tuy nhiên không ít dự án vẫn tiếp tục chờ đợi. (Bình Minh)

- Rộn ràng giá tour nội - ngoại dịp Tết: Những ngày này, câu chuyện giá vé máy bay Tết lại nóng trên nhiều phương tiện truyền thông. Hầu hết thông tin đều nhấn mạnh vào việc giá vé Tết dù được mở bán trước gần 4 tháng nhưng vẫn cao ngất ngưởng, cao hơn giá một số tour ngoại trọn gói. Thực hư ra sao? (Đức Mạnh)

- Agribank đồng hành cùng tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu: Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, với vai trò là ngân hàng thương mại (NHTM) hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank đã và đang tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, dự án năng lượng sạch, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Phương Liên)

- Giá bắp khó tăng trong ngắn hạn: Thị trường bắp nằm trong xu hướng giảm từ tháng 4-2022 đến nay, kể từ khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và quyết tâm duy trì lãi suất ở mức cao. Tính tới ngày 5-10, giá hợp đồng tương lai bắp trên sàn CBOT chỉ giao dịch quanh mức 486 cent/giạ, tương ứng giảm 41% kể từ khi lập đỉnh. Trong cùng khoảng thời gian, giá bắp trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) cũng giảm hơn 16%. (Phạm Tuấn)

- Ấn tượng ngôi nhà thông minh (Nhã Trúc)

- Giá trị của văn hóa doanh nhân: Văn hóa vốn có chiều kích rộng lớn. Văn hóa doanh nhân định hình theo không gian nào? Mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Thế nhưng, ít nhất văn hóa doanh nhân phải được thiết lập giữa 2 mệnh đề cơ bản. Mệnh đề khởi phát là “phi thương bất phú”, không kinh doanh không thể giàu có. Và mệnh đề giới hạn là “vi phú bất nhân”, không thể vì mê đắm giàu có mà đánh mất nhân tính. Từ “phi thương bất phú” đến “vi phú bất nhân” là sự rèn luyện, sự tu dưỡng và sự tự trọng của doanh nhân. Chính sự đắn đo “phi thương bất phú” và “vi phú bất nhân” sẽ bồi đắp văn hóa doanh nhân đích thực hữu ích cho sự phát triển chung. (Tuy Hòa)

- Cao nguyên đá giữa lòng Thủ đô: Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 25km về phía Tây Nam, núi Trầm hay Tử Trầm Sơn thuộc xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một cao nguyên đá xanh rất đẹp, được ví von với danh hiệu “cao nguyên đá Hà Giang thu nhỏ”, đang thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ cắm trại cuối tuần. (Nguyễn Văn Công)

- Xung đột Hamas-Israel: cú đánh mới lên kinh tế toàn cầu: Xung đột Hamas-Israel có thể khiến các NHTW đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như giáng đòn mạnh vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá, vốn do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga- Ukraine gây ra. (Vĩnh Cẩm)

- Anthony Pratt: tỷ phú nắm bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ: Tỷ phú người Australia, Anthony Pratt, đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi báo chí Mỹ cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump tiết lộ bí mật về tàu ngầm hạt nhân của đất nước cho doanh nhân này. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác