Đón đọc ĐTTC số 230 phát hành thứ hai ngày 25-12-2023

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 230 phát hành ngày 25-12-2023 với nhiều chuyên mục:

385551847-1121835782132373-7295.jpg

- Lợi thế đất hiếm và tầm nhìn xa: Với trữ lượng đất hiếm 22 triệu tấn cùng chính sách kinh tế cởi mở, Việt Nam có lợi thế gì và cần tận dụng như thế nào? Hiện Việt Nam đang được các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhắm đến như một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng đất hiếm, giảm sự phụ thuộc Trung Quốc. Nhưng theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện các đối tác nước ngoài vẫn chưa có đề xuất, hợp tác cụ thể. Bởi lẽ Việt Nam chỉ mới tiến hành khai thác nhỏ lẻ một số mỏ ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, nhưng chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu (phải có mức độ tinh chế từ 95% trở lên).

- Số phận 232 chợ truyền thống sẽ ra sao?: Vài năm gần đây, chợ truyền thống (CTT) đứng trước một thách thức lớn chưa từng có, đó là khách vắng hẳn. Tiểu thương ngồi lướt điện thoại, chơi game cả ngày không bán được món hàng nào, hoặc có bán được cũng không đáng là bao, doanh thu thấp, nhất là những chợ bán các loại hàng gia dụng. Tiểu thương không biết phải làm sao, chính quyền lúng túng. Vậy tái cấu trúc như thế nào cho số phận của 232 CTT? (TS. Nguyễn Minh Hòa)

- Tăng năng lực chống rửa tiền, sẽ hạn chế tham nhũng: Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, kéo theo hoạt động rửa tiền gia tăng cả về quy mô và số lượng. Nhiều hình thức rửa tiền mới xuất hiện như tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo… Chống rửa tiền trở thành mặt trận ngày càng nóng bỏng, cũng là công cụ hiệu quả để chống tham nhũng trên cả phạm vi toàn cầu và mỗi quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm tội phạm tiến hành rửa tiền thành công từ 1.000 - 1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường, trong đó có khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng… (Tri Nhân)

- Đất hiếm lợi thế cho Việt Nam “quyền lực đàm phán”: Nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc đối với các nguyên liệu thô quan trọng, tháng 7-2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRM Act) trong ngành công nghiệp bán dẫn (còn gọi là đất hiếm). Trong đó, vạch ra chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường gắn kết với các quốc gia giàu tài nguyên, đáng tin cậy. Liệu chính sách tự chủ chiến lược của EU về CRM, có là cơ hội để Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác quan trọng. (Hoàng Sơn)

- Cơ hội Việt Nam tham gia liên minh bán dẫn của Mỹ: Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ từng dẫn đầu thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu vào những năm thập niên 1990. Tuy nhiên, trong 3 thập niên tiếp theo, Mỹ có xu hướng xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước châu Á, còn các công ty bán dẫn ở Mỹ chuyển sang thiết kế chip và thuê ngoài. Song những thay đổi về thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đã buộc Mỹ phải tìm kiếm “đồng minh” mới về lĩnh vực công nghiệp trọng yếu này. Và Việt Nam có tên trong số đó. (Thanh Hà)

- Việt Nam cần định vị trong “bàn cờ địa chính trị”: Hẳn sẽ có người thắc mắc giữa những khái niệm hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chip (ngành công nghiệp bán dẫn) có liên hệ gì với nhau khi xếp cùng một nhóm. Tôi cho rằng nó có sự liên quan chặt chẽ, cho thấy sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam về quy mô lẫn cấu trúc, về lượng và chất, kề từ sau mấy chục năm mở cửa hội nhập. (Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT)

- 2024: không chỉ là mục tiêu GDP 6,5%…: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5% và GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730USD. Mục tiêu tuy khó nhưng có thể đạt được, song quan trọng là chất lượng của mục tiêu cho những năm sau đó. (TS. Lê Duy Bình, Economica Vietnam)

- Cần quản lý đồng bộ thuốc lá thế hệ mới: Trước nhu cầu ngày càng tăng trong việc tìm kiếm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử), Bộ Công Thương đang muốn tìm kiếm một phương án phù hợp để quản lý loại thuốc lá này. (Hải Hồ)

- Ngân hàng mở chờ khung pháp lý: Cuộc cách mạng ngân hàng (NH) mở (Open Banking) đã và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã có chiến lược và chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng NH mở, nhằm khai thác tiềm năng của loại hình kinh doanh NH hiện đại này. Trước xu thế đó, các NH Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhập cuộc, tuy nhiên khung pháp lý cho việc này vẫn chưa có. (Bảo Trân)

- Lãnh đạo ACG tự tin, nhà đầu tư nhận “trái đắng”: Từng được các công ty chứng khoán định giá lên mức 10.0, nhưng mã ACG của CTCP Gỗ An Cường chỉ lẹt đẹt ở mức giá dưới mốc 4.0. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ACG chưa thể bứt phá như kỳ vọng? (Kim Giang)

- Nhiều mã ngân hàng ngược sóng khi thị trường trầm lắng: Đối với phần lớn mã cổ phiếu (CP) nhà băng, 2023 là năm tương đối lặng sóng, thậm chí nhiều mã giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn có một số mã “ngược dòng” nhờ ghi nhận tỷ suất vượt trội. (Văn Vinh)

- Xóa “treo” một dự án sau hơn 20 năm: Ngày 15-11-2002 UBND TPHCM ban hành Quyết định 4714/QĐ-UB, giao đất cho Công ty Công trình Giao thông công chánh TPHCM đầu tư xây dựng dự án Khu tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất (quận 12), với mục đích tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án mở rộng đường Trường Chinh và một số dự án khác… Tuy nhiên, dự án kéo dài hơn 20 năm do công tác đền bù giải tỏa bị vướng, và đến những ngày cuối năm 2023 này mới được khởi công xây dựng. (Bình Minh)

- Xuất khẩu 2024 kỳ vọng điểm sáng nông sản: Xuất khẩu của Việt Nam đi qua năm 2023 với nhiều gam trầm khi sức mua toàn cầu suy giảm. Dự báo bước qua năm 2024 nhiều ngành vẫn đối mặt khó khăn về đơn hàng. Tuy nhiên, trong bức tranh chung ấy, nông sản lại trở thành điểm sáng mang nhiều kỳ vọng nhờ những kết quả bứt phá trong năm 2023. (Thanh Lâm)

- Giá đậu nành đang thấp, có lợi cho ngành chăn nuôi: Đậu nành là mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 thế giới (sau Indonesia) về nhập khẩu khô đậu nành, được sử dụng làm nguồn cung cấp protein chính trong tất cả các công thức thức ăn chăn nuôi và thủy sản, với hàm lượng dao động từ 15-35% tổng thành phần. Trong đó, thức ăn thủy sản thường có có tỷ lệ khô đậu nành cao hơn so với thức ăn chăn nuôi. (Phạm Tuấn)

- Quà tặng gia đình ngày đầu năm (Nhã Trúc)

- 32 năm cưu mang học trò nghèo Trường Sơn: Bà Trần Thị Mác (81 tuổi, thôn 2 xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã có 32 năm cưu mang học trò nghèo xã Trường Sơn về học cấp 3 trường huyện. Bà gúp đỡ con cháu đồng bào xã Trường Sơn không vụ lợi, âm thầm như một người lái đò thầm lặng với tấm lòng cao cả. (Minh Phong)

- Sri Lanka - hành trình kỳ diệu đến đảo ngọc: Nằm ẩn mình trên bản đồ Nam Á, Sri Lanka - hòn đảo ngọc giữa lòng Ấn Độ Dương - đang dần trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua đối với những người đam mê khám phá vẻ đẹp tự nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng. Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, di sản văn hóa ấn tượng và bờ biển tuyệt vời, Sri Lanka hứa hẹn mang đến cho du khách một trải nghiệm đáng nhớ. (Fahoka Xê Dịch)

- Năng lượng sạch vẫn sẽ là giấc mơ?: Tại hội nghị COP28 (Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra từ ngày 30-11 về kết thúc vào 12/12 tại Dubai), các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định đã đến lúc bỏ lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là năng lượng tái tạo. Thế nhưng, các công ty khai thác dầu mỏ cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng này vẫn giống như một “giấc mơ” hơn là thực tế. (Vinh Trang)

- Raffaello Follieri - ông vua đất hiếm từng là "siêu lừa": Đầu năm 2023, hãng xếp hạng nhà giàu nổi tiếng Forbes có bài viết phong cho Raffaello Follieri là “Vua đất hiếm”, người nắm trong tay quyền kiểm soát tới 8% thị trường đất hiếm toàn cầu từ năm 2022. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác