Phòng vệ thương mại: Gia tăng số lượng và mức độ phức tạp

(ĐTTCO) - Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu không chỉ gia tăng về số lượng, còn trở nên phức tạp hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn.

Các quốc gia nhập khẩu sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc PVTM - Ảnh minh họa: KT
Các quốc gia nhập khẩu sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc PVTM - Ảnh minh họa: KT

Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động đáng kể, đặc biệt là biến động về chính sách thuế toàn cầu, các quốc gia ngày càng có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), trước các quy tắc toàn cầu mới về thuế để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Sản phẩm xuất khẩu đối diện 284 vụ điều tra

Các cuộc điều tra về PVTM không chỉ gia tăng về số lượng, còn trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia điều tra đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn, như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng cũng như đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng.

Đơn cử ngày 12-5 vừa qua, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số mặt hàng dây đai thép nhập khẩu từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cách đó 1 tuần, Cục Phòng PVTM - Bộ Công Thương cũng nhận được thông tin về việc Ai Cập đã tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra CBPG với lốp xe ô tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong tháng 4, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra CBPG với thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, KTC xác định biên độ phá giá cho 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam lần lượt ở mức 18,81% và 11,37%. Các cuộc điều tra và kết luận áp thuế CBPG từ nhiều thị trường đang gây khó khăn nhất định cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận định trong những năm gần đây, các biện pháp PVTM có xu hướng gia tăng mạnh trên toàn cầu, bà Nguyễn Anh Thơ, Phòng xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM cho hay, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục đẩy mạnh sử dụng PVTM với phạm vi ngày càng mở rộng cả về số lượng và tính chất pháp lý. Trong đó, các quốc gia nhập khẩu sử dụng các quy định khắt khe hơn về xuất xứ, giá trị gia tăng nội địa.

“Tính đến tháng 4, tổng số vụ việc điều tra PVTM của các quốc gia đối với Việt Nam đã lên đến 284 vụ. Trong đó có tới 54,6% số vụ chống bán phá giá, 20,8% vụ điều tra liên quan tự vệ 20,8%, 13,7% vụ chống lẩn tránh và 10,9% số vụ chống trợ cấp. Ngoài ra, điều tra chống lẩn tránh PVTM có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ thị trường Mỹ với 22 vụ”, bà Thơ thông tin.

Phạm vi áp dụng PVTM ngày càng rộng

Bộ Công Thương nhận định, xu hướng trong thời gian tới, các quốc gia trên thế giới sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng. Thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường; tình hình thị trường đặc biệt; yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc PVTM.

Đồng thời, nhiều quốc gia tiếp tục sử dụng những biện pháp PVTM có phạm vi áp dụng rộng, như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp PVTM để tăng cường bảo hộ, hoặc tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về PVTM theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.

Hiện Hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công Thương đã xác định một số nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra PVTM, bao gồm ngành gỗ (gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa khung gỗ, gỗ thanh định hình); thép (thép cán nóng, thép dự ứng lực, thép chống ăn mòn, cáp thép); vật liệu xây dựng (đá nhân tạo, gạch men); cơ khí, chế tạo (pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện, máy giặt, lốp xe) và kim loại màu.

Để đối phó với các biện pháp PVTM từ các nước nhập khẩu, Bộ Công thương khuyến nghị các DN cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quy định PVTM của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt những nước thường xuyên điều tra TVTM. DN thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Bộ Công Thương. Đồng thời trao đổi với đối tác nhập khẩu về tình hình hoặc khả năng phát sinh vụ việc PVTM tại thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro bị điều tra PVTM, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM khuyến nghị các DN xuất khẩu sớm thích ứng nhanh và bài bản hơn với luật chơi quốc tế. Cụ thể là DN cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch hóa tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa, áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ tự chủ sản xuất nguyên liệu. Những yếu tố này không chỉ giúp chứng minh minh bạch với cơ quan điều tra mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“DN cần tranh thủ tận dụng tốt lợi thế từ các FTA để gia tăng xuất khẩu, nhưng cũng cần xây dựng năng lực PVTM như một phần trong chiến lược phát triển bền vững. DN cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cũng như cạnh tranh bằng chất lượng thay bằng giá cả. Đồng thời, DN thường xuyên cập nhật thông tin, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng cùng Bộ Công Thương để có những giải pháp ứng phó hữu hiệu”, ông Trung nêu định hướng.

Các tin khác