Đón kết quả kinh doanh quý I-2022

(ĐTTCO) - Những sự kiện đình đám gần đây dù đang khiến cho thị trường “chao đảo” mạnh, nhưng điều này không làm giảm đi sự kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT) về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Dòng vốn NĐT cá nhân tiếp tục là chủ lực trên thị trường chứng khoán.
Dòng vốn NĐT cá nhân tiếp tục là chủ lực trên thị trường chứng khoán.
NĐT cá nhân “đỡ” VN Index
Sau 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) khá tích cực khi tổng giá trị giao dịch duy trì trên 600.000 tỷ đồng trong tháng 3. Theo ghi nhận của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong tuần cuối cùng của tháng 3, dòng vốn chảy mạnh vào VN Diamond ETF, đã đẩy hàng loạt cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn như FPT, MWG, PNJ… kéo theo đó là hiệu suất vượt trội tương ứng của các chỉ số nhóm ngành công nghệ thông tin và tiêu dùng.
Bên cạnh thanh khoản tốt, tâm lý thị trường cũng đã phục hồi vào cuối tháng 3, khá tương đồng với kỳ vọng trước đó của VDSC.
Dòng tiền quay lại với thị trường cũng tỷ lệ thuận với số lượng NĐT mở tài khoản mới trong tháng 3. Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD), NĐT trong nước đã mở mới 270.217 tài khoản CK trong tháng 3. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay và vượt xa đỉnh cũ đạt được vào tháng 12-2021 là 226.580 tài khoản. Trong đó, NĐT cá nhân tiếp tục là nòng cốt khi mở mới 270.011 tài khoản bên cạnh 206 tài khoản đến từ NĐT tổ chức.
Tổng số tài khoản chứng khoán của NĐT trong nước tới hết tháng 3 đạt gần 4,95 triệu đơn vị, tương đương hơn 4,73% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng NĐT đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.
Số lượng tài khoản mở mới tăng đột biến cho thấy làn sóng NĐT mới tham gia vào thị trường vẫn rất nóng, dù VN Index đang giao dịch gần vùng đỉnh. Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng NĐT mở tài khoản phần nào cho thấy dòng tiền dồi dào dẫn dắt bởi NĐT F0 đã làm định giá nhóm CP vốn hóa trung bình và nhỏ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các CP này nhanh chóng đối mặt với áp lực chốt lời khi hoạt động kinh doanh tiếp tục yếu kém như đã xảy ra trong quý IV-2021. 
Có một điều hết sức thú vị là thị trường dù chịu sự dẫn dắt bởi dòng tiền của NĐT cá nhân nhưng lại không có sự hoảng loạn trước các biến cố bất ngờ. Thậm chí, họ chính là nhân tố quan trọng giúp VN Index đã “chống đỡ” khá tốt trước các bất ổn từ bên ngoài như biến động địa chính trị và việc phong tỏa các thành phố lớn tại Trung Quốc.
Điều này trái ngược hoàn toàn với động thái bán ròng của khối ngoại và tổ chức. Đây có thể xem là tín hiệu cho thấy thị trường đã bắt đầu phản ánh kết quả kinh doanh quý I-2022 cũng như kế hoạch kinh doanh cả năm đang được DNNY lần lượt công bố trong mùa ĐHCĐ năm nay. Những yếu tố này sẽ cung cấp “bộ đệm” hiệu quả chống lại triển vọng lạm phát cao hơn và các rủi ro bên ngoài như: bất ổn địa chính trị và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. 

Xu hướng đầu tư vào CP căn bản 
Báo cáo chiến lược tháng 4 vừa được CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN) công bố vẫn giữ nguyên mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN Index 22%, và chỉ số này tiếp tục được kỳ vọng chinh phục 1.700 điểm trong năm nay.
Động lực tăng trưởng của thị trường thời gian tới sẽ là chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, là động lực đến từ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp và xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Đối với triển vọng ngắn hạn, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ giữ được đà tăng vững chắc khi có thông tin trong mùa ĐHCĐ 2022 và kết quả kinh doanh quý I dần được công bố. Theo dữ liệu của các công ty trong danh mục theo dõi của các CTCK, các ngành bất động sản, công nghệ, tiêu dùng và ngân hàng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế kế hoạch cho năm 2022.
Các ngành này chủ yếu bao gồm các CP vốn hóa lớn hơn do 3 yếu tố là: dòng vốn có xu hướng chảy vào VN Diamond ETF, tâm lý thận trọng đối với các CP vốn hóa nhỏ gần đây và định giá CP đang mức hấp dẫn hơn. 
Lấy dẫn chứng từ nhóm CP nhà băng chịu áp lực bán trong tháng 3, khi căng thẳng chính trị leo thang cùng với tâm lý tiêu cực ở các ngân hàng là chủ nợ lớn của FLC như Sacombank (STB) hay OCB. Tuy nhiên, nhóm CP ngân hàng vẫn được đánh giá là có triển vọng lạc quan khi mức tăng trưởng dự phóng năm 2022 ở mức trên 30%.
Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPBank (VPB) với đối tác Nhật Bản trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Đáng chú ý là mặc dù chịu áp lực bán ra trong 2 tháng đầu năm, nhưng đã có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm CP ngân hàng trong tháng 3 khi họ mua ròng 692 tỷ đồng so với động thái bán ròng 110 tỷ đồng trong tháng 2. Trên thực tế, cả STB và OCB đều không bị bán tháo sau thông tin Chủ tịch HĐQT FLC bị bắt.
Như vậy, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các CP có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 sau khi các thông tin về mục tiêu kinh doanh được chia sẻ sau mùa ĐHCĐ. Nếu đi sâu vào chi tiết thì dòng tiền sẽ có xu hướng tập trung vào các CP có tăng trưởng cao và có yếu tố cơ bản tốt trong năm 2022. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm CP VN30 có nền tảng cơ bản tốt và có yếu tố câu chuyện riêng là một trong những lựa chọn tốt.
Thậm chí, có thể dựa trên khoảng cách điểm số trong mức chấp nhận được của VN30 Index và VN Index (17 điểm tại thời điểm 31-3), dưới mức trung bình của quý I-2022 là 23 điểm và 38 điểm trong giai đoạn 2012-2016.
Theo Bloomberg, thời điểm đó, định giá P/E của VN30 dao động từ 10-17 lần. Trong khi đó, tại thời điểm cuối quý I-2022, P/E nhóm VN30 được giao dịch ở mức 15,9x và PE dự phóng dưới 14x, tương với mức tăng trưởng EPS gần 20% trong 12 tháng tới. 
 Việc cơ quan chức năng bắt đầu mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và xử lý các trường hợp thao túng giá sẽ tạo tâm lý e ngại cho NĐT với nhóm CP có tính chất đầu cơ.

Các tin khác