Nhưng “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy các hành động rất kịp thời và quyết liệt nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của Covid-19, cũng như tránh sự hoảng loạn ở cộng đồng và sự đổ vỡ từ y tế đến kinh tế như trường hợp ở Mỹ và một số nước EU.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, việc đánh đổi các mục tiêu kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân không phải quốc gia nào cũng mạnh dạn thực thi. Các đối sách của Việt Nam suốt năm 2020 thể hiện sự kiên định trong việc ưu tiên phòng chống, khắc chế đại dịch và hướng đến mục tiêu duy trì liên tục các hoạt động kinh tế.
Minh chứng nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các đánh giá tích cực và dự báo hết sức lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn lan rộng. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố vào giữa tháng 9-2020 lần lượt là 1,8% và 6,3%, tương tự vào tháng 10-2020 Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo lần lượt là 1,6% và 6,7%.
Nhưng kết thúc năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn nằm ngoài mong đợi mà các tổ chức đánh giá quốc tế nể phục: tăng trưởng 2,91%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua sau hai năm liên tục tăng trưởng trên 7%. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới. Đây là nền tảng để năm 2021 Việt Nam tiếp tục thực thi các quyết sách liên quan đến kinh tế.
Năm 2021, trên toàn cầu dù vẫn còn nhiều yếu tố gây bất ổn và khó dự báo, song hầu hết tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Theo IMF, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng đạt tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Trung Quốc là trụ cột chính khi IMF dự phóng nước này đạt tăng trưởng 8,2%, trong khi Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 3,1%. Đối với châu Âu có thể hồi phục 5,2% so với mức âm 8,2% năm 2020.
Còn với Việt Nam đang đặt ra GDP đạt 6% và có khả năng sẽ tăng chỉ tiêu tăng trưởng lên 6,5%. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% trong năm 2021. Các ước tính thận trọng nhất của các tổ chức quốc tế cũng đưa ra con số hơn 6% tăng trưởng GDP cho năm 2021, trong khi những dự phóng lạc quan nhất dự kiến trên 8%.
Đón năm 2021 cũng như đón một cái Tết Tân Sửu năm nay sẽ là năm “đặc biệt”: Cái Tết đầu tiên ở trạng thái “bình thường mới”, tức vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, và vaccine phòng dịch vẫn chưa thể tiêm đại trà.
Nhiều lo lắng, băn khoăn người tiêu dùng sẽ cân nhắc và chi tiêu tiết kiệm hơn khi bản thân họ và gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp và bị giảm thu nhập do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020.
Song với người kinh doanh hàng hóa lại kỳ vọng mùa mua sắm Tết Tân Sửu sẽ tăng mạnh, bởi một nguyên nhân đơn giản khi các đường bay thương mại quốc tế vẫn đang ở trạng thái “đóng cửa” và người tiêu dùng sẽ chỉ có một lựa chọn “ở nhà”, thay vì đổ xô đi du lịch và mua sắm ở nước ngoài như trào lưu những năm gần đây.
Nhiều người đặt vấn đề: “Tết trong thời kỳ bình thường mới có gì mới”? Thực ra trong hơn 1 năm đối phó với đại dịch thành công ở Việt Nam, nhưng đại dịch vẫn chưa có điểm dừng ở nhiều nước, có lẽ nhu cầu về an toàn là một trong những nhu cầu căn bản nhất.
Và trong một thế giới đầy biến động và thay đổi với một tốc độ khó lường như hiện nay, nhu cầu về an toàn lại càng được đặt lên hàng đầu. Sự ưu tiên này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng như trong mùa Tết, như ở nhà nhiều hơn, tham gia vào các sự kiện đông người ít hơn...
Do đó đây chính là một dịp khá tốt để kích cầu mua sắm nội địa, chia sẻ khó khăn với nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, kinh doanh dịch vụ… vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn thử thách trong năm 2020 vừa qua. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất khẳng định thương hiệu và chất lượng hàng hóa của mình, để thực sự được người tiêu dùng quan tâm không chỉ trong mùa mua sắm Tết ở trạng thái “bình thường mới”, mà còn về lâu dài khi đại dịch qua đi.
Và thực tế trước Tết Tân Sửu một tháng, nhiều hệ thống phân phối hàng hóa lớn đã dành những vị trí tốt nhất trên kệ hàng Tết của mình và xem đây là sự ưu tiên thiết thực nhất đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Chúng ta cũng chứng kiến những biến chuyển lớn về thói quen và hành vi tiêu dùng. Quãng thời gian cách ly xã hội dài ngày góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi lối sống từ offline qua online, từ cách thức giải trí, mua sắm, ăn uống đến học tập và làm việc. Do vậy “bình thường mới” ở cái Tết năm nay là khoảng thời gian mọi người thường thả lỏng hơn về vấn đề sức khỏe như một cách tưởng thưởng cho bản thân sau một năm làm việc, học tập vất vả.
Thức khuya để giải trí, ăn uống thất thường và kém lành mạnh... là những hoạt động “bình thường cũ” sẽ được bỏ qua. Bình thường mới cũng sẽ là những khoảnh khắc sống chậm để con người cảm nhận rõ hơn về tình cảm xung quanh mình.
Chúng ta cũng có thể tự tin một năm mới, bình thường mới cho nền kinh tế Việt Nam với mọi thứ được khai thông, dịch bệnh được đẩy lùi.