Đồng bằng sông Cửu Long - Chạy đua xây nhà máy điện gió

(ĐTTCO) - Hiện nhiều dự án điện gió trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy nhanh tiến độ để vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 (thời điểm được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều dự án gặp khó và có nguy cơ không về đích đúng tiến độ.

Điện gió rất được các tỉnh ven biển ĐBSCL kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế.
Điện gió rất được các tỉnh ven biển ĐBSCL kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế.
Nhiều khó khăn trong thi công
Nhà máy điện gió Viên An có công suất 50 MW, do Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An làm chủ đầu tư, với mức vốn khoảng trên 2.411 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Hiện trong số 49 trụ điện gió thì đơn vị thi công đã làm hoàn thành móng trụ hơn một nửa, còn lại đã và đang khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, các trụ T27, T35, T36, T38, T42, T46, T47… đang gặp khó trong việc thi công do vướng mặt bằng.
Nguyên nhân do nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy điện gió Viên An vẫn chưa đồng ý giao mặt bằng cho đơn vị thi công, vì cho rằng giá đền bù chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều trụ điện gió triển khai trên phần đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, nên khâu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải mất nhiều thời gian; từ đó làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công. 
Ông Nguyễn Đăng Hiển, Phó Giám đốc phụ trách pháp lý Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An, cho biết: “Hiện nay việc giải phóng mặt bằng dự án cực kỳ khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương, cùng các sở ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh… nhờ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục pháp lý giao đất kịp thời, nhằm giúp nhà thầu thi công đúng tiến độ”.
Tại Bạc Liêu hiện có 9 dự án điện gió với tổng công suất 562 MW. Thời gian qua, các dự án điện gió trên địa bàn khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng.
Theo Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu, các tuyến đường giao thông ven biển trên địa bàn chỉ chịu tải tối đa 16 tấn, cầu tối đa 25 tấn… trong khi các thiết bị siêu trường, siêu trọng lên đến hàng trăm tấn. Vì vậy, sở phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng chủ đầu tìm các phương án khác nhau để đưa thiết bị siêu trường, siêu trọng vào công trường, phục vụ cho việc thi công các dự án điện gió.
Tương tự, ở Sóc Trăng cũng có 9 dự án điện gió (có 6 dự án đặt trụ tuabin trên đất liền) đang triển khai với tổng công suất 262 MW. Đối với các dự án điện gió đặt trụ tuabin trên biển thì việc vận chuyển thiết bị có phần thuận lợi hơn so với đặt trụ tuabin trên đất liền, song vì hạ tầng đường bộ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.
Một trong những khó khăn khác cũng khiến nhiều nhà đầu tư điện gió tại ĐBSCL lo lắng là vấn đề đầu tư đồng bộ hệ thống đường dây đấu nối với các nhà máy điện gió để giải tỏa công suất. Tại Cà Mau, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam cho biết, công trình trạm biến áp 220kV Năm Căn và đường dây 220kV Năm Căn - Cà Mau 2, hiện mới thực hiện xong kiểm đếm tài sản.
Do đó, đơn vị này kiến nghị tỉnh Cà Mau sớm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để triển khai công trình sớm hoàn thành, hỗ trợ các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh giải tỏa công suất và tăng khả năng truyền tải hệ thống điện. Tương tự, nhiều nhà đầu tư điện gió khác tại các tỉnh ven biển ĐBSCL cũng lo lắng các đường dây truyền tải không hoàn thành đồng bộ với nhà máy gió.
Kêu cứu… khẩn cấp!
Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29- 6- 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam), các dự án điện gió để được hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.928 đồng) đối các dự án điện gió trên đất liền, và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) đối với điện gió trên biển, phải vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021.
Do thời gian từ nay đến đầu tháng 11 không còn nhiều, trong khi đó dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy ảnh hưởng đến việc vận chuyển thiết bị, nhất là các tuabin gió; đối với các chuyên gia nước ngoài khi nhập cảnh vào làm việc cũng khó khăn; cùng việc đi lại bị hạn chế, nhân lực khan hiếm… Trước những trở ngại trên, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió ở ĐBSCL vô cùng lo lắng nguy cơ không hoàn thành kịp tiến độ.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An, hiện nay cứ mỗi ngày trôi qua thì cơ hội hoàn thành của dự án hẹp dần. Vì vậy, công ty phải kêu cứu “khẩn cấp” đến các ngành chức năng tỉnh Cà Mau với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc. Nhà đầu tư cũng kiến nghị tỉnh Cà Mau cử lực lượng công an hỗ trợ thi công, khi xảy ra vụ việc thì kịp thời can thiệp.
“Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thời tiết hiện nay vào mùa mưa bão nên việc triển khai thực hiện dự án vô cùng gian nan. Dù vậy, tất cả các hạng mục phải đồng loạt triển khai. Bằng mọi giá, với cách này hay cách khác, cũng phải lên lưới vào cuối tháng 10-2021” - ông Nguyễn Đăng Hiển quyết tâm.
Còn ông Đào Hải Linh, Tổng Giám đốc CTCP Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) cho biết: “Thời gian qua dự án gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tỉnh tháo gỡ kịp thời, nên chúng tôi đang cố gắng tăng tốc với mục tiêu đưa dự án vận hành thương mại kịp thời vào trước tháng 11”. Tuy nhiên, ông Linh cũng thông tin là có dự án điện gió rơi vào thế bế tắc, không kịp tiến độ. Một trong những khó khăn nhất là không giải quyết được bài toán nhân sự, nhất là chuyên gia nước ngoài. Hiện nhân sự chất lượng cao phục vụ cho các dự án điện gió ở ĐBSCL rất ít, tập trung chủ yếu tại TPHCM; còn các chuyên gia thì phải thuê từ nước ngoài về… 
 Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian vừa qua EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 8.144 MW. Tính đến thời điểm ngày 22-7, có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất 611 MW đã vào vận hành thương mại. Ngoài ra, có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5.621MW dự kiến sẽ tiếp tục vào vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021. Tuy nhiên, đến ngày 22-7, mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất là 3.487MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm đúng quy định. Ngoài ra, có 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1.912MW, khả năng không thể vận hành thương mại trước 31-10-2021.

Các tin khác