Tình trạng này nếu không được xử lý rốt ráo sẽ gây căng thẳng cho việc đi lại của người dân trong dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Các chuyên gia giao thông tại TPHCM đã có những hiến kế với ĐTTC về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM:
Tập trung xóa 33 điểm ùn tắc
Trong năm 2018, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình của TP. Ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ hợp lý; đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, phát triển vận tải đường thủy nội địa, giảm áp lực cho đường bộ.
Cơ quan chức năng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh điểm đen tai nạn giao thông; có biện pháp, kế hoạch nhằm không để tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông tại các vị trí sau khi được xử lý kỹ thuật và được công bố xóa; theo dõi, đánh giá tình hình trật tự lòng lề đường tại khu vực điểm đen tai nạn giao thông và có biện pháp khắc phục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung theo dõi 33 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông để có biện pháp tạo sự chuyển biến và xóa các điểm này, cố gắng không để phát sinh thêm các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, chúng tôi công bố bản đồ và các điểm hay ùn tắc giao thông để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông; thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về phương án phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm thường xuyên diễn ra ùn tắc, các tuyến đường có công trình xây dựng chiếm dụng lòng đường, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường…
Đặc biệt, lực lượng chức năng của TP sẽ giải tỏa nhanh chóng hiện trường tai nạn giao thông hay sự cố xe chết máy nhằm tránh ùn tắc giao thông do nguyên nhân này.
Hiện tại, giải pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông là trọng tâm và đang được thực hiện qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục. Công tác tuyên truyền phải đến tận cơ sở phường, xã, thị trấn và chú trọng hơn vào các dịp lễ tết. Chúng tôi đã đề xuất thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.
Cụ thể, phát triển và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; kiểm tra các điểm đen ùn tắc để khắc phục kịp thời thiếu sót; tăng cường tuần tra và chốt chặn trên nhiều tuyến đường trọng điểm vào giờ cao điểm, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Theo tôi, việc xử phạt nguội, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông rất hiệu quả, góp phần đắc lực cho việc giám sát hành vi sai phạm của người tham gia giao thông. Từ đó tạo chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân.
Trước mắt trong năm 2018, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 3 công việc chính là khai thác tốt nhất hạ tầng hiện có; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch các chương trình trọng điểm; tổ chức hiệu quả loại hình vận tải công cộng hiện hữu. Đồng thời, đưa ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình điều phối, kiểm soát các công trình giao thông.
Để ngành GTVT tiếp tục phát triển theo chỉ tiêu đề ra, rất mong lãnh đạo TPHCM tiếp tục bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và quản lý dự án.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông:
Quy hoạch phải dự báo chính xác
Công bằng mà nói, việc kẹt xe, ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra ở TPHCM, mà nó là thực trạng chung của tất cả đô thị phát triển trên thế giới. Khi kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sẽ dẫn đến ùn tắc. Vấn đề lúc này là xem xét các giải pháp để giải quyết thực trạng trên như thế nào để bảo đảm cho TP phát triển ổn định, bền vững.
Tại TPHCM, làm quy hoạch giao thông phải có dự báo chính xác trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có đánh giá cụ thể những tác động đến môi trường xung quanh. Trên thực tế, khâu dự báo của chúng ta chưa chính xác.
Thí dụ, lẽ ra phải mở đại lộ 6 làn xe, nhưng vì dự báo thiếu chính xác nên chúng ta chỉ mở có 4 làn xe. Đến khi quá tải, xảy ra ùn tắc phải làm lại, gây nên lãng phí lớn về công sức, thời gian, đặc biệt là tiền của đổ vào công tác đền bù, giải tỏa. Đơn cử như tại khu vực cảng Cát Lái, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng do dự báo thiếu chính xác nên mới xảy ra chuyện ùn tắc giao thông trầm trọng như hiện nay.
Ở TP chúng ta, sự phát triển ồ ạt các phương tiện giao thông cá nhân là tác nhân gây ùn tắc giao thông, nhưng cấm xe cá nhân là giải pháp bất khả thi. Chúng ta không nên coi xe cá nhân là “kẻ thù” mà phải nhìn nhận nó dưới nhu cầu thực tế của người dân. Trong lúc phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân không thể nói cấm xe cá nhân được, nhất là xe gắn máy, loại phương tiện chiếm đến gần 90% nhu cầu đi lại của người dân.
Một khi người dân có điều kiện kinh tế khá hơn, đổ xô mua ô tô, khi cấm xe máy sẽ dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này qua một bất cập khác. Do vậy nên cần phải giải quyết nhu cầu đi lại của người dân sao cho tốt hơn bằng phương tiện công cộng. Lúc đó, người dân sẵn sàng bỏ xe 2 bánh, thậm chí vận động tốt, người dân bỏ xe 4 bánh để sử dụng phương tiện công cộng như các nước phát triển.
Để giải quyết vấn nạn kẹt xe tại TP, tôi cho rằng phải nghiên cứu một cách chuyên nghiệp về giao thông, nghĩa là có khảo sát nhu cầu, tính toán, dự báo, hoặc tổ chức đầu tư hay giao thông thông minh nhưng tất cả phải kết hợp với quy hoạch đô thị, giao thông. Ngoài ra, cần kết hợp giao thông tĩnh, giao thông động và cả giao thông công cộng, để làm hài hòa giao thông đô thị.
Nếu giao thông tĩnh đáp ứng và giải quyết nhu cầu đậu đỗ để giảm kẹt xe thì nên xây liền. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức giao thông, vì nếu tổ chức yếu (dù mọi thứ đã tốt) vẫn không đem lại hiệu quả cao.
Những ngày qua, lòng đường tại TP hẹp nhưng vẫn để tình trạng đào bới làm lưới điện, cáp quang diễn ra liên tục, góp phần tạo những rào chắn gây cản trở giao thông. Đối với nạn xe dù bến cóc, cần được giải quyết nhanh, triệt để; đối với các dự án giao thông thi công không đàng hoàng, làm chưa đến nơi đến chốn thì chính quyền TP cần quyết liệt đốc thúc chủ đầu tư hoàn thành đúng tiến độ.